Việt Nam - Úc sẽ ký biên bản hợp tác năng lượng, ASEAN tăng cường an ninh hàng hải

Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh cùng Thủ tướng Úc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Úc hôm 6/3

Nguồn hình ảnh, WILLIAM WEST/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh cùng Thủ tướng Úc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Úc hôm 6/3

Việt Nam và Úc sẽ ký một bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng và khoáng sản trong chuyến thăm đến Melbourne của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết hôm thứ Tư.

Trong một thông cáo, bộ này cho hay thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất khẩu than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Úc sang Việt Nam, đồng thời lưu ý rằng Úc hiện là nhà cung cấp than chính cho Việt Nam, chiếm 44% tổng lượng than đá nhập khẩu.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Úc vừa bế mạc tại Melbourne, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết an ninh hàng hải, thương mại và năng lượng sạch sẽ định hình tương lai mối quan hệ của nước này với khối ASEAN, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực trên Biển Đông.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Úc - ASEAN. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những bất đồng trong nội bộ 10 quốc gia khối ASEAN trong việc ứng xử với tham vọng mở rộng ảnh hưởng về ngoại giao và quân sự của Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, Úc và ASEAN kêu gọi thiết lập một trật tự "dựa trên luật lệ" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Chúng tôi thừa nhận lợi ích của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên Biển Đông."

“Chúng tôi khuyến khích tất cả các nước tránh mọi hành động đơn phương có thể gây nguy hại cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực,” tuyên bố nêu.

Trả lời Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định, và lập trường của Trung Quốc về các khu vực tranh chấp trước nay luôn nhất quán và rõ ràng.

“Chúng tôi sẽ có biện pháp hợp lý cho những khác biệt với các bên liên quan, cũng như sẽ phối hợp với ASEAN để thực hiện đủ và hiệu quả các giải pháp đó," Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố chung Úc - ASEAN.

Chụp lại video, Tàu Trung Quốc và Philippines chạm trán trên Biển Đông hôm 5/3/2024

Trong một bài phát biểu trước đó, Thủ tướng Albanese khẳng định cả Úc và các nước ASEAN phải hợp tác cùng nhau để biến mối liên kết địa lý tự nhiên giữa hai bên thành sự hợp tác thiết thực hơn trong các lĩnh vực phát triển bền vững không gian biển và an ninh hàng hải.

Tuyên bố chung được đưa ra một ngày sau khi Philippines triệu tập phó đại sứ Trung Quốc ở Manila để phản đối cái mà nước này gọi là “những hành động gây hấn” của các lực lượng Trung Quốc nhằm ngăn chặn một chuyến tiếp tế định kỳ cho lính Philippines đóng quân tại bãi Cỏ Mây trên Biển Đông.

Hai tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi một tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế định kỳ cho quân đội hôm 5/3

Nguồn hình ảnh, Ezra Acayan/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hai tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi một tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế định kỳ cho quân đội hôm 5/3

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến vận tải biển với lượng hàng hóa lưu thông trị giá hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm, đồng thời là nguồn cơn chủ yếu gây căng thẳng với một số nước khác cùng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Albanese hôm thứ Hai, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói rằng có một “nỗi ám ảnh Trung Quốc” đang gia tăng ở phương Tây. Nói với tờ Sydney Morning Herald hôm thứ Ba, ông Anwar cho rằng nguy cơ xung đột ở Biển Đông đang bị thổi phồng quá mức.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng lặp lại mối quan ngại về tình hình nhân đạo "thảm khốc" do xung đột Israel - Hamas ở Gaza, đồng thời kêu gọi phóng thích các con tin đang bị bắt giữ.

"Chúng tôi lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, dẫn đến làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, bao gồm hạn chế tiếp cận với thực phẩm, nước uống và các nhu cầu thiết yếu khác."

"Chúng tôi kêu gọi triển khai một lệnh ngừng bắn nhân đạo tức thời và lâu dài," tuyên bố nêu.

ASEAN bao gồm một số nước có đa số dân là người Hồi giáo như Malaysia, Indonesia và Brunei, trong khi Úc là nước ủng hộ mạnh mẽ Israel, mặc dù trước đó nước này từng kêu gọi ngừng bắn và chỉ trích các hành động làm gia tăng thương vong.