Svoboda | Graniru | BBC Russia | Golosameriki | Facebook

Đường dẫn truy cập

Phúc thẩm xét xử 3 nhà hoạt động môi trường: LS Đặng Đình Bách bị tuyên y án


Ba nhà bảo vệ sinh thái, từ trái sang - Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, tại các phiên tòa xét xử phúc thẩm ở Hà Nội diễn ra cùng ngày 11/8.
Ba nhà bảo vệ sinh thái, từ trái sang - Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, tại các phiên tòa xét xử phúc thẩm ở Hà Nội diễn ra cùng ngày 11/8.

Ba nhà lãnh đạo các tổ chức dân sự và cũng là những nhà hoạt động môi trường vừa bị đưa ra xét xử trong các phiên tòa phúc thẩm, trong đó ông Đặng Đình Bách bị tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù trong khi ông Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương mỗi người được giảm 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm.

Ba người này đều bị kết tội trốn thuế, một tội danh mà chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây dùng để đưa ra xét xử những người lãnh đạo các tổ chức dân sự chuyên về môi trường, trong đó có nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khanh.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Bách, giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), diễn ra hôm 11/8 tại Tòa án Nhân dân cấp cao ở Hà Nội, hơn nửa năm sau phiên xử sơ thẩm. Ông Bách, cũng là một luật sư bảo vệ quyền môi trường, bị kết án 5 năm tù tội “trốn thuế” hồi cuối tháng 1 năm nay.

Trước đó cũng trong tháng 1, ông Lợi và ông Dương, lần lượt là chủ tịch hội đồng khoa học và giám đốc của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), cùng bị đưa ra xét xử ở phiên sơ thẩm, trong đó ông Lợi, từng là phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật, bị tuyên 4 năm tù và ông Dương, bị tuyên 2 năm rưỡi sau song sắt.

Tại phiên tòa phúc thẩm 11/8, ông Bách, người bị cáo buộc trốn thuế hơn 1,3 tỷ đồng, đã không nhận tội và phủ nhận việc trốn thuế. Theo VOV, TAND Hà Nội cho rằng tuyên bị cáo phạm tội trốn thuế là “đúng người, đúng tội, không oan.” Ông Bách bị tòa quy trách nhiệm bổi thường hơn 1,38 tỷ đồng “tiền trốn thuế.”

Tại một phiên tòa phúc thẩm riêng biệt cùng ngày, Tòa án Nhân dân cấp cao của Hà Nội tuyên chấp nhận giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Lợi và ông Dương. Theo Vietnam Plus, ông Lợi – người từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn Báo chí Công dân” và từng là một trong những nhà hoạt động dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 – được giảm án vì đã nộp tổng cộng 1,2 tỷ đồng “khắc phục hậu quả” và “trong quá trình công tác có nhiều thành tích, bố mẹ là người có công, gia đình hoàn cảnh khó khăn.” Vẫn theo tờ báo của TTXVN, ông Lợi, bị cáo buộc có vai trò chủ mưu và chỉ đạo trong vụ án trốn thuế hơn 1,9 tỷ đồng, đã thừa nhận chi ít hơn số tiền nhận được tại phiên tòa phúc thẩm.

Vào giữa tháng 6 vừa qua, giám đốc tổ chức xã hội dân sự có ghi danh hợp pháp tên là Green ID và được xem là nhà hoạt động môi trường nổi bật nhất của Việt Nam, bị tuyên án 2 năm tù cũng với tội danh “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự. Việc kết án bà Khanh, phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thường Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quốc gia Đông Nam Á, bị Mỹ và các nước phương Tây lên án.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW hồi đầu tháng 4 năm nay lên tiếng cảnh báo về xu hướng đáng lo ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường với cáo buộc được chính quyền Việt Nam công bố là “trốn thuế.” Trong lời kêu gọi gửi tới Liên minh châu Âu để gây sức ép lên Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền trước cuộc đối thoại thường niên EU-Việt Nam hồi tháng 4, HRW nêu các trường hợp của ông Lợi, ông Bách và bà Khanh, những nhà hoạt động bị án tù nhiều năm vì bị quy cùng tội danh “trốn thuế.”

Theo tổ chức có trụ sở chính ở New York, Mỹ, những nhà hoạt động môi trường này đều có tham gia các dự án xã hội dân sự do EU tài trợ. Ông Bách và ông Lợi đều là những thành viên của nhóm Tư vấn của Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tư do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Nhóm tư vấn của EU về EVFTA hồi tháng 7/2021 đã nêu quan ngại về việc bắt giữ ông Bách và ông Lợi của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như cho biết rằng họ bị bắt sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam.

Việc thương thảo EVFTA từng bị đình trệ vì những lời kêu gọi từ cả các thành viên trong nghị viện châu Âu, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà hoạt động dân chủ về việc EU đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết hiệp định này.

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách – người tập trung hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình – nói trong một cuộc phỏng vấn với The 88 Project rằng bà không bao giờ nghĩ rằng chồng bà sẽ bị bỏ tù vì những gì ông làm để cống hiến cho phong trào bảo vệ môi trường ở Việt Nam và rằng bà tin chồng mình vô tội.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần khẳng định các bản án này không “liên quan gì đến các hoạt động môi trường.” Sau khi bà Khanh, người được mệnh danh là “anh hùng môi trường” của Việt Nam, bị kết án tù trong vụ án hình sự mà Mỹ và nhiều nước phương Tây nói là liên quan đến biến đổi khí hậu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã ngay lập tức phủ nhận. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam luôn “cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.”

Các nhà hoạt động môi trường này bị bỏ tù trong bối cảnh chính phủ Việt Nam cam kết với quốc tế rằng nền kinh tế của họ sẽ trung hòa carbon vào năm 2050. Nhà báo David Hutt hồi tháng 7 lập luận trong một bài phân tích trên The Diplomat rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường, nổi bật như bà Khanh, bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽ đi quá xa đến mức đòi hỏi những thay đổi về chế độ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG