Svoboda | Graniru | BBC Russia | Golosameriki | Facebook

Đường dẫn truy cập

Sau 10 năm, Việt Nam lại xem xét xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam


Khách du lịch chụp ảnh đoàn tàu hướng về Ga Hà Nội trên đoạn đường sắt xuyên qua nội đô. Một báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, từng bị Quốc hội từ chối cách đây hơn 10 năm, sẽ được trình lên Bộ Chính trị xem xét vào tháng 9.
Khách du lịch chụp ảnh đoàn tàu hướng về Ga Hà Nội trên đoạn đường sắt xuyên qua nội đô. Một báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, từng bị Quốc hội từ chối cách đây hơn 10 năm, sẽ được trình lên Bộ Chính trị xem xét vào tháng 9.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, từng không được thông qua cách đây hơn 1 thập kỷ vì chi phí quá cao, vừa được chính phủ Việt Nam đưa ra xem xét trở lại và, theo truyền thông trong nước, dự án hơn 58 tỷ USD sắp được trình lên Bộ Chính trị để lấy ý kiến.

Một báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải được VietNamNet trích dẫn nói rằng dự kiến trong tháng sau, Bộ này sẽ trình Bộ Chính trị, cơ quan quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố và có tộc độ tàu chạy tối đa 320km/h.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt mới dài 1.545km sẽ kết nối thủ đô Hà Nội ở phía Bắc với TPHCM, trung tâm tài chính, ở phía Nam. Tuyến đường này sẽ bổ xung cho tuyến đường sắt dài hơn 1.729km được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Theo VnExpress đưa tin hồi tháng trước, tuyến đường sắt mới sẽ được dùng để khai thác riêng cho tàu chở khách trong khi tuyến đường sắt cũ, hiện đang được khai thác để chở hành khách, sẽ được cải tạo để chở hàng.

Nghiên cứu cho dự án tuyến đường cao tốc mới được Bộ GTVT bắt đầu thực hiện từ 2005. Bộ này cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua hồi năm 2009. Tuy nhiên tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2010, dự án đã không nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp.

Dự án này lúc đó vấp phải phản đối từ dư luận – chủ yếu là báo chí và công chúng – vì bị cho là “không hợp lý” trong lúc nợ công của Việt Nam đã sát trần 65% GDP. Ngân hàng Thế giới hồi giữa năm 2010 từ chối tài trợ cho dự án mà họ cho là có quá nhiều tham vọng đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Một số nhà lập pháp lúc đó cũng chống đối gay gắt vì cho rằng dự án sẽ khiến đất nước chìm ngập trong nợ nần.

Việt Nam, trong những năm gần đây, đã trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã đưa dự án này trở lại và vào tháng 2/2019 đã trình thủ tướng xem xét. Bộ này cho biết, với quy mô thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng vào tháng 7 cùng năm đã ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ GTVT đầu năm nay đã trình báo cáo này lên Chính phủ và đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét.

Truyền thông trong nước cho biết, với tổng mức đầu tư toàn bộ dự kiến khoảng 58,7 tỷ USD, nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư phân kỳ theo 2 giai đoạn. Theo đó, Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-TPHCM với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,72 tỷ USD. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư đoạn Vinh-Nha Trang, dự kiến hết 33,99 tỷ USD, để nối thông toàn tuyến.

Bộ GTVT chưa đưa ra thông tin về nguồn tài chính đầu tư cho dự án nhưng vào tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong buổi tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Maeda Tadashi, đã đề nghị ngân hàng này hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Ông Chính, được VnExpress trích lời nói với ông Tadashi hôm 22/7, rằng phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam có thể “theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước, khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.” Vẫn theo tờ báo này, chủ tịch JBIC nhất trí với đề nghị của ông Chính và khẳng định ngân hàng mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.

Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320km/giờ đi từ Hà Nội vào Vinh mất một tiếng, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay và kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt cao tốc chặng Hà Nội-Nha Trang dự kiến là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay và làm thủ tục, trong khi chặng Hà Nội-TPHCM là 5,5 tiếng, dài hơn thời gian bay và làm thủ tục khoảng 1 tiếng.

Theo VnExpress, giá vé tàu tốc độ cao 320km/giờ dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay bình quân.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG