Thời trang Việt Nam chinh phục Thái Lan, liệu có thể vươn tầm quốc tế?

Các thành viên trong ban nhạc K-pop BlackPink mặc trang phục của thương hiệu Việt Nam FANCì Club
Chụp lại hình ảnh, Các thành viên trong ban nhạc K-pop BlackPink mặc trang phục của thương hiệu Việt Nam FANCì Club
  • Tác giả, Thương Lê
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Trung tâm mua sắm Platinum ở Bangkok, Thái Lan là nơi nổi tiếng buôn bán sỉ các mặt hàng thời trang dành cho phụ nữ. Nơi đây có nhiều gian hàng trưng bày mẫu mã quần áo nhập khẩu từ Việt Nam.

Pattraporn Phianlert, một người bán hàng tại đây, nói với BBC News Tiếng Việt rằng giới trẻ Thái Lan hiện rất yêu thích quần áo từ các hãng local brand (thương hiệu địa phương) bán hàng tự thiết kế của Việt Nam như OnOn Madé, L SEOUL, Rechic, Huelley Rose, The Swan Closet, Beach Club...

Trên các trang mạng xã hội tiếng Thái, hashtag #เสื้อผ้าเวียดนาม (quần áo Việt Nam) là một chủ đề nổi bật. Video gắn hashtag này thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok, trong khi nhiều người nổi tiếng đang bay đến TP HCM để mua sắm.

“Một số người nổi tiếng Thái Lan thường mặc trang phục từ các hãng này cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, còn những người có sức ảnh hưởng thì review [đánh giá] các bộ trang phục trên Facebook, Instagram, TikTok… và nhận về nhiều phản ứng tích cực,” cô Phianlert cho biết.

Ngoài Thái Lan, nhiều thần tượng K-pop như BlackPink, AESPA, (G)I-dle... và các ngôi sao quốc tế như Rihanna, Katy Perry... cũng tin tưởng sử dụng đồ thiết kế từ các thương hiệu Việt trong MV ca nhạc hay khi trình diễn trên các sân khấu lớn.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Quỳnh Nguyễn, Giám đốc kinh doanh thương hiệu Thời trang L SEOUL có trụ sở tại TP HCM, cho biết khách hàng Thái Lan bắt đầu biết đến hãng từ giữa năm 2023, rồi nhờ Thái Lan mà thị trường Hàn Quốc cũng biết đến hãng.

Thông qua những nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội, bắt đầu từ những video du lịch kiêm mua sắm của một số người nổi tiếng, sau đó chuyển sang video đi mua số lượng lớn về bán lại tại Thái Lan, lượng người mua tăng lên đáng kể trong những tháng qua.

“Có những tháng doanh thu của chúng tôi tăng lên bốn, năm lần. Sự bùng nổ của internet và thương mại điện tử đã giúp chúng tôi được Lazada Thái Lan liên hệ và hợp tác, từ đó có kho hàng ở Bangkok và cũng có những đối tác bán sỉ, lẻ khác," bà Quỳnh nói.

Chụp lại video, Thời trang Việt Nam liệu có thể vươn tầm quốc tế?

Thiết kế thời thượng, tôn hình thể

“Khi bắt đầu bán quần áo Việt Nam, tôi cũng không chắc sẽ lời lãi thế nào nhưng hiện tại thì công việc kinh doanh rất tốt. Tôi có thêm nhiều khách hàng so với trước đây, khi chỉ nhập hàng từ Trung Quốc. Họ phản hồi rất tích cực về quần áo Việt Nam,” Darin Chermue, một người bán hàng tại Platinum Fashion Mall, cho hay.

“Các thiết kế của Việt Nam rất hợp thời, chẳng hạn như xếp tầng và đính các chi tiết như tua rua theo xu hướng Y2K, với những trang phục tôn lên đường cong của người mặc,” cô Chermue nói thêm.

Y2K là phong cách thời trang nổi bật từ thập niên 1990 - đầu những năm 2000 và đang quay trở lại mạnh mẽ, trở thành trào lưu trên toàn cầu trong thời gian gần đây.

Bà Quỳnh Nguyễn lý giải Thái Lan có thời tiết tương tự TP HCM, không có mùa đông và đây cũng là một đất nước có du lịch phát triển, được tiếp xúc nhiều cái mới và đặc biệt là có đời sống về đêm bùng nổ với những quán bar và club sôi động, nên những thiết kế này được chiếm được cảm tình của những cô gái trẻ.

Waranee Wanrat, chủ một cửa hàng bán quần áo nhập khẩu từ Việt Nam tại trung tâm mua sắm Central World, cho biết khách hàng của bà nói rằng các sản phẩm này có chất lượng cao và đặc biệt là tôn dáng của người mặc.

“Ngay cả khi bạn hơi mập một chút, bạn trông vẫn rất đẹp và có đường cong khi mặc những bộ quần áo này,” bà cho biết.

Darin Chermue cho biết cô có nhiều khách hàng hơn kể từ khi bán quần áo nhập khẩu từ Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Darin Chermue nói rằng cô có nhiều khách hàng hơn kể từ khi bán quần áo nhập khẩu từ Việt Nam

Giá cả cạnh tranh

So với những thương hiệu quốc tế có mặt trên thị trường, các sản phẩm local brand Việt có mức giá cạnh tranh dao động từ 300.000 – 2.000.000 VND ở thị trường nội địa.

Sau khi được các nhà buôn hoặc sàn thương mại điện tử mang sang Thái Lan, giá sẽ cao lên trung bình vài trăm ngàn mỗi bộ.

"Tất nhiên là khi chúng tôi mang sang Thái Lan, giá sẽ phải đội lên. Nhưng cá nhân tôi thấy so với các thương hiệu quốc tế như H&M thì giá quần áo Việt Nam cũng chỉ ngang vậy, mà chất lượng lại tốt hơn," bà Wanrat so sánh.

“Người tiêu dùng Thái Lan chấp nhận mức giá này, vì nếu so với các thương hiệu Thái Lan khác thì những sản phẩm này vẫn rẻ hơn, chất liệu, kiểu dáng hợp thời và đặc biệt là có mác ‘nhập khẩu’ nữa,” cô Chermue cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có những shop chuyên cho thuê quần áo Việt Nam theo ngày, phục vụ cho những người chỉ mặc một lần để chụp ảnh.

Từ giữa năm 2023, tại trung tâm mua sắp Platinum Fashion Mall, Bangkok xuất hiện rất nhiều gian hàng bán quần áo từ các thương hiệu local brand Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Từ giữa năm 2023, tại trung tâm mua sắp Platinum Fashion Mall, Bangkok xuất hiện nhiều gian hàng bán quần áo từ các thương hiệu local brand Việt Nam

Văn hóa thần tượng

Cũng như các nước châu Á, nền văn hóa thần tượng ở Thái Lan và Việt Nam khá phát triển và dần trở nên "đại chúng".

Thiết kế cá tính và tôn lên hình thể của nghệ sĩ đã giúp các hãng local brand của Việt Nam lọt vào mắt xanh của những stylish phụ trách trang phục cho thần tượng.

Bà Wanrat quyết định kinh doanh quần áo Việt Nam là do ảnh hưởng từ cô con gái 17 tuổi, người thường xuyên đặt hàng từ Việt Nam sau khi xem các thần tượng K-pop mặc những trang phục này.

Giáo sư Kim Myung-hee từ trường Cao đẳng văn hóa Chungkang ở Hàn Quốc, cựu stylist của Bi Rain và Jun Ji-hyun cho biết thời gian gần đây, những trang phục từ các thương hiệu Việt Nam đang được thần thượng K-pop đưa lên sân khấu biểu diễn vì tính hợp thời đại.

"Thông thường, trang phục biểu diễn của idol K-pop có màu sắc rực rỡ, kiểu dáng ôm sát để thể hiện cá tính và những bước nhảy của thần tượng. Và hiện nay chúng ta thấy có khá nhiều thương hiệu Việt đáp ứng được điều này," giáo sư Kim Myung-hee chia sẻ.

"Khi kết hợp với các local brand Việt, những trang phục này được điều chỉnh theo yêu cầu của concept [ý tưởng] trình diễn, không giống với những trang phục sẵn có của hãng," cựu stylist nói thêm.

Nhóm nhạc K-pop (G)I-dle mặc trang phục của thương hiệu Việt Nam OnOn Madé

Nguồn hình ảnh, (G)I-dle

Chụp lại hình ảnh, Nhóm nhạc K-pop (G)I-dle mặc trang phục của thương hiệu Việt Nam OnOn Madé

Vươn tầm quốc tế

Từ những năm 1990, quần áo "made in Vietnam" thường có nghĩa là hàng dệt may, được gia công hàng hoạt cho những thương hiệu quốc tế lớn như H&M, Nike...

Việc liên tiếp xuất hiện trên các sân khấu lớn của các idol Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... khiến vị thế thương hiệu thời trang đến từ Việt Nam được thăng cấp và biết đến nhiều hơn.

Những cái tên mới trong làng mốt Việt như Duy Trần (thương hiệu FANCì CLUB) hay Quách Đắc Thắng (thương hiệu AEIE Studios, La Lune)… bắt đầu được biết đến rộng hơn khi được các sao Hàn Quốc khoe trên Instagram Story với hàng chục triệu người theo dõi.

Và cũng phải nhắc đến những nhà thiết kế hàng đầu, đặt nền móng để thời trang Việt vươn tầm thế giới như Công Trí, Chung Thanh Phong, Lê Thanh Hòa, Phạm Đăng Anh Thư, Đỗ Long... những người được nhiều ngôi sao quốc tế "chọn mặt gửi vàng" trong các sự kiện lớn.

Ca sĩ Katty Perry mặc trang phục của nhà thiết kế Công Trí

Nguồn hình ảnh, Công Trí

Chụp lại hình ảnh, Ca sĩ Katty Perry mặc trang phục của nhà thiết kế Công Trí

Giáo sư Kim Myung-hee cho rằng vẫn còn quá sớm để coi thời trang Việt Nam là một hiện tượng như K-Culture [văn hóa Hàn Quốc] hay K-Fashion [thời trang Hàn Quốc].

Dù vậy, bà cũng lạc quan về tương lai của ngành thời trang Việt.

"Theo các dữ liệu gần đây, dường như nền tảng của để các thương hiệu thời trang Việt có thể dẫn đầu xu hướng trên thế giới đã được tạo dựng," bà nhận định.

Giáo sư Kim Myung-hee bày tỏ quan điểm lạc quan về tương lai của ngành thời trang Việt

Nguồn hình ảnh, Kim Myung-hee

Chụp lại hình ảnh, Giáo sư Kim Myung-hee bày tỏ quan điểm lạc quan về tương lai của ngành thời trang Việt

Bà Quỳnh Nguyễn cho biết khi hãng của mình khởi nghiệp vào năm năm trước thì chỉ nhập quần áo từ các nước như Trung Quốc và Malaysia về bán cho khách Việt.

Nhưng sau đó khi Covid ập đến, hàng hóa ùn tắc tại của khẩu, thương hiệu L SEOUL chuyển qua bán những sản phẩm tự thiết kế, lên ý tưởng với màu sắc, cá tính riêng của thương hiệu và cho ra mắt thị trường.

“Chúng tôi đang nhắm đến các nước không có mùa đông hoặc các nước mạnh về văn hóa thần tượng thư Hàn Quốc,” bà chia sẻ.

Bà nhận định rằng thị trường Singapore có vẻ không khả quan lắm vì phụ nữ nước này không chuộng phong cách quyến rũ, nhưng Hàn Quốc và Trung Quốc thì có vẻ tiềm năng.

"Chúng tôi không mơ mộng đến châu Âu hoặc châu Mỹ vì văn hóa và kích cỡ bên đó khác, nhưng nếu vươn ra ngoài châu lục thì chúng tôi đang nhắm tới Úc, nơi có nhiều người gốc Á," đại diện của local brand Việt này cho hay.

Quay lại Thái Lan, những người bán hàng cho rằng quần áo Việt Nam sẽ tiếp tục bán chạy trong thời gian tới, vì chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và liên tục cải tiến.

Nhưng để góp ý, họ cho rằng các thương hiệu này nên may những mẫu trang phục có độ dài dài hơn để những người cao cũng có thể mặc được mà không bị quá ngắn.