Thấy gì từ cơn sốt Đào, phở và piano?

Hai cô đào cùng Văn Dân (đồ đen) và ông phán trong phim Đào, Phở và Piano

Nguồn hình ảnh, MNH

Chụp lại hình ảnh, Hai cô đào cùng Văn Dân (đồ đen) và ông phán trong phim Đào, phở và piano
  • Tác giả, Nguyễn Mạnh Hà
  • Vai trò, Gửi đến BBC từ Hà Nội

Đào, phở và piano đang là đề tài tranh luận, bàn tán sôi nổi, cả trên mạng lẫn ngoài đời. Hiếm khi có một "phim nhà nước" trở thành tâm điểm chú ý như vậy.

Những ngày này, dù là ngày thường, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vẫn tấp nập lạ thường. Bãi để xe chật kín, những hàng người xếp hàng dài trước quầy vé từ sáng tới tối. Mạng wifi miễn phí không truy cập được. Thậm chí tôi còn bắt gặp một nhân viên đang bắc đường ống nhựa xả nước trực tiếp xuống cống. Anh giải thích do nhà vệ sinh các tầng trên bị sử dụng nhiều quá.

Số người tới rạp đông đột biến chủ yếu là để xếp hàng mua vé xem Đào, phở và piano do không thể đặt được trên mạng. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng vì phim nhà nước bất thần có đầu ra.

Phim nhà nước tức là phim do Nhà nước đặt hàng chủ yếu để chiếu trong những dịp đặc biệt như Tết hay kỷ niệm những ngày lễ lớn. Nơi nhận đặt hàng thường là các hãng phim Nhà nước có cổ phần.

Vô lý vẫn đắt hàng

Cảnh ông hoạ sỹ đụng độ quân Pháp trong phim Đào, Phở và Piano

Nguồn hình ảnh, NMH

Chụp lại hình ảnh, Cảnh ông hoạ sĩ đụng độ quân Pháp trong phim Đào, phở và piano

Trong năm 2023 có hai phim truyện được Nhà nước đầu tư là Đào, phở và piano (Hãng Phim truyện 1) và Hồng Hà nữ sĩ (Hồng Ngát Film), chưa kể một chùm phim hoạt hình.

Đào, phở và piano do Phi Tiến Sơn biên kịch và đạo diễn ra mắt tháng 10/2023 và nhận giải Cánh diều Bạc tại LHP Việt Nam cùng năm.

Đào, phở và piano tái xuất khá âm thầm cùng với các phim Tết khác ở rạp duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội). Với giá 50.000 đồng/vé so với 80.000 mặt bằng chung.

Và những tưởng sẽ âm thầm về kho sau khi hết đợt phục vụ thì đến ngày 18/2, tức sau hơn một tuần chiếu, Đào, phở và piano bỗng trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Ngày 19/2, website đặt vé của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tắc nghẽn do đông người truy cập.

Để đáp ứng nhu cầu đột biến của khán giả, nhà rạp phải cắt bớt suất của Mai (đạo diễn Trấn Thành), phim đang thống lĩnh tất cả các rạp trên cả nước, để chiếu bộ phim được mọi người gọi tắt là Đào.

Để xem được Đào, khán giả phải dành riêng một buổi để đến xếp hàng mua vé cho ngày hôm sau. Trong khi chờ xem Đào, nhiều người tò mò xem luôn Hồng Hà nữ sĩ khiến cho các phòng chiếu phim này cũng đông chật. Tất nhiên phim về bà Đoàn Thị Điểm được chiếu ở phòng nhỏ hơn.

Khán giả xếp hàng chờ vào xem phim Đào, phở và piano sáng 21/2 trong khi những người vừa xem xong trở ra

Nguồn hình ảnh, NMH

Chụp lại hình ảnh, Khán giả xếp hàng chờ vào xem phim Đào, phở và piano sáng 21/2 trong khi những người vừa xem xong trở ra

Hồng Hà nữ sĩ chắc chắn không gặp nhiều trở ngại về kịch bản vì nó dựa theo cuộc đời của nhân vật lịch sử. Nếu xét theo tiêu chuẩn phim truyền hình chiếu rạp thì bộ phim cũng có thể coi là thành công.

Và quan trọng là phim được khán giả đón nhận khá hào hứng. Phim không hề có ý định gây cười nhưng vẫn có vài lần khiến cả phòng chiếu phải bật cười do cách thể hiện hơi sến hoặc có phần ngô nghê. Chẳng hạn khi cha nuôi của nữ chính qua đời hoặc Đặng Trần Côn thất tình uống rượu. Kết phim khán giả đồng loạt vỗ tay.

Đào khiến khán giả cười ngoài ý muốn ít hơn nhưng cũng không khiến khán giả phải vỗ tay khi xem xong. Cũng dễ hiểu vì phim hoành tráng và có độ bi tráng hơn hẳn. Phim thuật lại những gì xảy ra quanh một chiến lũy ở thủ đô quanh mốc lịch sử 17/2/1947 kết thúc 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Đào mở đầu bằng một cảnh giường chiếu lãng mạn trong không gian không liên quan gì đến chiến tranh. Phút giây thăng hoa giữa đôi trai gái qua đi, khán giả được quay ngược về thời điểm trước đó 20 ngày. Khi nam chính Văn Dân cùng đồng đội chiến đấu trên chiến lũy. Anh lóng ngóng ném quả lựu đạn không trúng mục tiêu và bị chê trách... Như vậy phim không chủ định xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng. Thay vào đó là những thường dân (tên nam chính đã ngầm nói lên điều đó), có thể còn vụng về, nhưng ai nấy đều thừa lãng mạn.

Đầu tiên phải kể đến tiểu thư Thục Hương bịt mặt đi vào thành thì chả đáng nghi. Tự vệ tra hỏi một hồi cô lộ ra hai lý do. Một là lạc gia đình không biết đi đâu. Hai là về để lấy cây đàn mà hẳn là piano đứng để mang đi.

Nhưng ai cũng cho đấy là lý do hợp lý. Chỉ cần cô nhận diện đúng cây đàn nữa là có thể mang đi. Thậm chí các tự vệ còn giúp thả ròng rọc từ trên ban công tầng ba xuống chiến lũy đã đang ngổn ngang đủ thứ.

Liệu sau đó ai và phương tiện nào sẽ hộ tống cô và cây đàn đi đâu đó phim chưa kịp đề cập thì quân Pháp từ bên kia chiến lũy bỗng nổ súng vào cây đàn, mà không có ý định bắn người.

Sau này còn có cảnh Hương bốc đất thả xuống xác đàn và bảo là muốn chôn nó, giống như nhân vật trong Hồng lâu mộng chôn hoa vậy... Cũng có thể thấy Đào ảnh hưởng hoặc được truyền cảm hứng từ Chiếc chìa khóa vàng (2001).

May mắn hơn đôi tình nhân trong phim của Lê Hoàng, cặp Dân - Hương đã tìm được phòng tân hôn như ý. Ngay cảnh mào đầu, Đào đã cho ngưng đọng hình ảnh chiến đấu - thủ pháp vốn được dùng rất nhiều trong phim của Lê Hoàng.

Dân sau khi bị chê là “hèn” do vụ ném lựu đạn hụt thì tự ý bỏ đi đến xưởng quân giới để mang đạn (thứ mà chiến lũy đang thiếu) về. Tình cờ gặp vợ chồng hàng phở đang chuẩn bị đi tản cư, anh nói các chiến sĩ đang thèm phở.

Gặp anh canh kho vũ khí cạnh làng đào Nhật Tân thì lại tuyên bố chiến lũy cũng cần đào. Thủ kho chỉ có một quả lựu đạn nhường lại cho Dân. Rời đi một đoạn, Dân thấy mình phải quay lại để lấy thêm.

Đường về phải qua các lối đi xuyên tường làm đào rụng, anh cũng lấy làm xót xa vun vun các cánh đào lại không biết để làm gì. Sau đó đào được chở về bằng ô tô của một ông phán.

Ông đưa cành đào kèm theo cả hai cô đào hát xuyên qua các bốt gác của giặc mặc cho chúng nổ súng và đuổi theo trong vô vọng. Xong nhiệm vụ chuyển đào về chiến lũy, ông phán lại bình an vô sự trở về tư gia thưởng ca trù tiếp.

Nhiều tình tiết khác trong phim cũng cho thấy sự vô lý và không ăn khớp. Hương tìm đến nhà thờ trong đêm để nhờ cha xứ (Trung Hiếu) đến làm đám cưới với Dân.

Sau đó ông cha muốn ông họa sĩ (Trần Lực) đưa về để kịp làm lễ sáng thì họa sĩ đáp: “Đó không phải đam mê của tôi”.

Và cha đành ở lại phục vụ cho đam mê của họa sĩ khi cơn cảm hứng đến: Vẽ một bức tranh trên tường với trọng tâm là tình yêu của đôi trai gái đang tân hôn trong toa xe điện gần đó (cảnh đầu phim).

Chưa hết, cha còn sẵn sàng cùng tác giả tranh cắt máu cổ tay để tô màu cho lá cờ trong tranh như một hành động “tận hiến”, hẳn là cho nghệ thuật. Vì trước đó cha khẳng định mình ở vị trí trung lập trong cuộc chiến.

Cô tiểu thư cuối cùng cũng được Dân “cảm hóa” để ở lại cảm tử cùng chồng mới cưới thay vì một mình đùng đùng đòi bỏ về nhà người thân ở Nam Định để được đánh đàn.

Vợ chồng hàng phở giữa ranh giới sống chết, đi ở mong manh cuối cùng cũng quyết bám trụ để làm chức phận của mình - tức nấu phở từ khâu xay bột tráng bánh trở đi. Họ có đủ nguyên liệu chỉ chờ hành lá Dân mang về cùng đào và lựu đạn…vv...

Phân hóa khán giả

Quầy vé Trung tâm Chiếu phim Quốc gia luôn đông đúc những ngày này

Nguồn hình ảnh, NMH

Chụp lại hình ảnh, Quầy vé Trung tâm Chiếu phim Quốc gia luôn đông đúc những ngày này

Ngoài ra phim cũng cho thấy sự hạn chế về bối cảnh (một số đạo cụ nhìn rõ là giả, đường phố chật hẹp làm cho cuộc “đua xe” giữa “ta” và “địch” trở nên khó tin), trang phục (ả đào không mặc áo dài mà tứ thân lòe loẹt).

Phim cũng khá táo bạo xây dựng nhân vật nữ tỏ ra chủ động trong thể hiện yêu đương, cũng không ngại lộ nội y ren đen ở cảnh ngoại... Có khán giả còn chỉ ra sự thừa cân của các diễn viên khi thời điểm phim nói tới các nạn đói chưa xa.

Hoặc các cảnh bắn nhau không có tiến trình, lớp lang gì mà "chỉ thấy các diễn viên chạy đi chạy lại pằng chíu, ngói đổ ầm ầm, khói lửa tan hoang".

Vậy nhưng bài viết có câu này cũng nhận được không ít gạch đá với quan điểm đây là phim lịch sử Nhà nước đặt làm, không cần doanh thu và đi xem phim là để thể hiện tinh thần yêu nước thì đừng có chê để cho người khác còn mua vé.

Tôi cũng có thử hỏi một vài khán giả của phim thì đa số đều đáp lại bằng những lời khen, có người cho biết đã rơi nước mắt ở đoạn kết. Họ hài lòng khi bỏ tiền mua vé, chấp nhận cả những chi tiết vô lý và cho đó mới làm toát lên được sự hào hoa (mà nếu trước đây thể nào cũng bị cho là “lãng mạn tiểu tư sản”) của người Hà Nội.

Có người cho hay lâu rồi không xem phim Việt và trải nghiệm này khiến họ thấy bất ngờ và vui mừng vì phim Việt đã tiến bộ đến thế.

Riêng việc cơn sốt phim kéo dài trong nhiều ngày chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng đủ để chứng tỏ số lượng khán giả cảm tình phim áp đảo những người có ý kiến khác.

Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng hiệu ứng đám đông đang phát huy và một số khán giả bị tác động để dễ dàng đón nhận bộ phim đang được quan tâm đến thế. Chưa kể nó lại là phim lịch sử được Nhà nước đặt hàng.

Dù sao nếu xét trên tiêu chí giáo dục, nhắc nhở các bài học lịch sử, đánh thức sự quan tâm của khán giả về các dấu mốc hay nhân vật lịch sử thì hai phim đặt hàng năm nay đều đạt được thành công đáng kể.

Cộng với hiệu ứng được phỏng đoán là có bàn tay truyền thông chứ không phải tình cờ thì mùa phim nhà nước năm nay phải nói đã lập được kỳ tích. Tất nhiên nếu nhìn vào số vé bán ra của Đào lúc này sẽ thấy không thấm vào đâu so với tiền đầu tư của Nhà nước (cho dù số tiền này cũng chỉ bằng non nửa so với phim tư nhân) nhưng điều quan trọng là “Đào phở” đã giúp hình khán giả nhận diện và quan tâm hơn tới dòng phim Nhà nước.

Thậm chí làm rộ lên một số thắc mắc tại sao phim làm từ tiền ngân sách mà lại không được phổ cập rộng rãi. Từ đó quy trình và quan điểm đặt hàng phim của Nhà nước có thể cũng phải thay đổi.

Đào vẫn trên đà chứng tỏ hấp lực với khán giả khi được hai hệ thống rạp tư nhân nhận hỗ trợ phát hành rộng rãi, toàn bộ tiền vé nộp vào ngân sách.

Thực ra vào năm 2015, điện ảnh Việt đã chứng kiến cuộc phối hợp ngoạn mục giữa Cục Điện ảnh và các hãng phim tư nhân làm nên bom tấn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ) thu về 80 tỉ sau một tháng phát hành toàn quốc.

Tới đây tôi tự hỏi, thời điểm này, điều gì sẽ xảy ra nếu ông hoàng phòng vé Trấn Thành lại có duyên được Nhà nước đặt hàng?!

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà, hiện sống ở Hà Nội