Nói rồng phương Tây ‘tiêu cực, tính nóng như lửa’, truyền thông Trung Quốc đòi đổi ‘dragon’ thành ‘loong’

Có ý kiến cho rằng không nên lẫn lộn rồng Trung Quốc và rồng phương Tây

Nguồn hình ảnh, aul Yeung/Bloomberg qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Có ý kiến cho rằng không nên lẫn lộn rồng Trung Quốc và rồng phương Tây
  • Tác giả, Lý Trừng Hân
  • Vai trò, Phóng viên BBC Tiếng Trung

Trong dịp Tết Giáp Thìn, tranh cãi về cách dịch tiếng Anh của chữ "long" (rồng) đã nổi lên trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

Năm nay, một số cơ quan truyền thông chính thống Trung Quốc đã bỏ từ “dragon” và đổi thành “loong” (phiên âm của chữ ‘long’) trong các ấn phẩm điện tử tiếng Anh.

Khi Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin về điệu nhảy rồng năm mới, họ đã dịch "Năm con Rồng" là "Năm Loong" và "điệu nhảy rồng" là "điệu nhảy loong". Linh vật trong gala cuối năm Xuân vãn của CCTV là Long Thìn Thìn cũng được dịch sang tiếng Anh thành "Loong Chenchen".

Vào năm rồng 2012, chính phủ Trung Quốc không sử dụng chữ "Loong". Thời điểm đó, các tờ báo tiếng Anh do nhà nước Trung Quốc quản lý Global Times và China Daily đều sử dụng "Year of the Dragon” (Năm con Rồng).

Một số chuyên gia phân tích với BBC rằng việc này cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn được định đoạt ngôn ngữ và thể hiện “sự tự tin về văn hóa”, nhưng cách dịch này chưa chắc sẽ phổ biến trên thế giới.

CCTV dẫn lời giáo sư Bành Bình, phó trưởng khoa tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết từ đầu thế kỷ 19, nhà truyền giáo người Anh Hannah Marshman đã nhắc đến con rồng của Trung Quốc trong các tác phẩm của mình, với chú âm là “loong” và dịch nghĩa là “dragon”.

Sau đó, trong cuốn từ điển Trung - Anh đầu tiên trên thế giới do giáo sĩ người Anh Robert Morrison biên soạn, chữ này được dịch là “dragon”. Cách dịch này tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

"Loong" được sử dụng song song với "dragon" trong phụ đề tiếng Anh của gala cuối năm Xuân vãn của CCTV

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình kênh YouTube của CCTV

Chụp lại hình ảnh, "Loong" được sử dụng song song với "dragon" trong phụ đề tiếng Anh của gala cuối năm Xuân vãn của CCTV

Các báo nêu rồng phương Tây có hình tượng tiêu cực như "miệng phun ra lửa, cánh lớn vảy dài, tính nóng như lửa", trong khi rồng Trung Quốc có "đầu ngựa, vuốt chim ưng, vảy cá, sừng hươu, mình rắn và không có cánh", những tạo hình tượng trưng cho may mắn cát tường. Vì vậy, “Loong” gần với nghĩa gốc của rồng Trung Quốc hơn.

Theo bài bình luận của tờ Nhật báo Bắc Kinh, nhiều người phương Tây vẫn nhìn vào Trung Quốc và phiên dịch văn hóa Trung Quốc với con mắt trịch thượng. “Ví dụ trong thời cận đại, có người gọi chúng ta là ‘Hiểm họa Da vàng’ hay ‘Con bệnh Đông Á’”.

Bài viết còn nhấn mạnh, “sau khi giải quyết xong chuyện ‘bị đánh’ và ‘bị đói’, một Trung Quốc đã hùng mạnh hơn phải giải quyết chuyện ‘bị mắng’ và chủ động tuyên dương giá trị bản thân”. Ngoài ra, chuyện phiên dịch “hoàn toàn không phải tự vẽ ra vấn đề, mà thật sự có liên quan đến việc thay đổi nhận thức về hình ảnh quốc gia một cách từ từ và âm thầm”.

Về vấn đề này, một số cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ ủng hộ đối với phương án phiên âm, cho rằng “‘dragon’ giống như một loài thằn lằn lớn, khác với rồng Trung Quốc" và "rồng Trung Quốc là độc nhất vô nhị, khi tiếng Trung phổ biến khắp thế giới, chữ rồng nên được phiên âm". Luồng ý kiến phản đối thì nói đây là biểu hiện "ngày càng mang nặng chủ nghĩa dân tộc", lại mỉa mai rằng "kiến nghị thay thế trực tiếp tiếng Anh bằng bính âm".

“Tự tin về văn hóa” và “bài trừ Anh hóa”

Trang Gia Dĩnh, phó giáo sư chính trị học tại Đại học Quốc gia Singapore và nhà nghiên cứu tại Dự án Carnegie Trung Quốc, nói với BBC tiếng Trung rằng vụ việc này phản ánh Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã nặng chủ nghĩa dân tộc hơn và ngày càng nhấn mạnh cái gọi là "tự tin về văn hóa".

"Các nước lớn thường muốn để lại dấu ấn riêng. Thật ra cũng giống như người Mỹ gọi trận chung kết bóng chày nhà nghề của họ là World Series (Giải đấu Thế giới) và trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Nhưng cũng như Mỹ, mọi người chắc chẳng mấy quan tâm gọi là gì, chỉ bản thân tự cảm thấy hay là được”.

Ông cho rằng, điều này phù hợp với xu hướng "bài trừ Anh hóa" những năm gần đây. Một mặt, Trung Quốc hy vọng thể hiện sự tự chủ của mình, nhưng đồng thời cũng chưa suy nghĩ rõ xem mình muốn gì, rốt cuộc bị lạc giữa “tự tin dân tộc” và “quốc tế hóa”.

"Phải hỏi xem rốt cuộc đến đâu là giới hạn? Nếu phiên dịch là phải đổi sang dùng bính âm Hán thì Xuân tiết nên dịch thành Chun Festival hay Chunjie, Tết Nông lịch nên để là Nongli New Year, và tương lai, People’s Republic of China (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - PRC) liệu có nên đổi thành Zhonghua Remin Gongheguo (ZHRMGHG) không?”

Mô hình rồng đón Tết Âm lịch tại thủ đô Jakarta, Indonesia

Nguồn hình ảnh, Eko Siswono Toyudho/Anadolu/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Mô hình rồng đón Tết Âm lịch tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Tại đây, dịp lễ này được gọi là Imlek.

Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, cùng năm đó, Bộ Giáo dục đẩy sớm việc học tiếng Anh từ bậc trung học cơ sở lên lớp ba tiểu học. Tiếng Anh đã được coi là tượng trưng cho việc hướng ra thế giới. Tuy nhiên, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông chủ trương “Bốn tự tin” nhằm chống lại “ảnh hưởng phương Tây”. Những năm gần đây, vị thế của tiếng Anh đã bị hạ xuống rõ rệt.

Nhiều nơi ở Trung Quốc đã đổi các bản dịch tiếng Anh sang bính âm tiếng Trung. Ví dụ hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh đã đổi "Station" (ga) thành "Zhan" (trạm), biển báo đường phố cũng đã thay "Road" (đường) bằng "Lu" (lộ). Trong kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc năm ngoái, có ủy viên Chính hiệp đề nghị loại bỏ tiếng Anh khỏi môn học bắt buộc bậc phổ thông, hoặc hạ điểm ngoại ngữ trong kỳ thi đại học.

Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu nói với BBC tiếng Trung rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ngôn ngữ là một công cụ tư tưởng, cũng là điều kiện tiên quyết của giáo dục. Xu hướng chính thức là không muốn tiếng Anh trở nên phổ biến.

"Nhưng ở giai đoạn này, tiếng Trung vẫn không thể thay thế được tiếng Anh. Thay đổi chỉ có thể được thực hiện ở quy mô nhỏ thông qua bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc. Việc đổi 'dragon' thành 'loong' phản ánh khao khát thể hiện quyền định đoạt ngôn ngữ của Trung Quốc, nhưng đây chủ yếu chỉ là 'tự sướng'."

Ông nhận định cách làm này không phù hợp với tập quán và các quy ước ngôn ngữ. Ông tin rằng rất khó để "loong" trở thành cách sử dụng phổ biến trên thế giới. "Ngôn ngữ có sức sống riêng, tùy thời đại mà phát triển, nếu cho rằng tất cả các chữ đều phải truy nguyên nguồn gốc, thì đó không phải lối tư duy hiện đại”.

Múa rồng, đốt pháo đón năm mới tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây

Nguồn hình ảnh, Costfoto/NurPhoto qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Múa rồng, đốt pháo đón năm mới tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây

Trong các dịp Tết trước đây, cũng đã có tranh luận về “Lunar New Year” (Tết Âm lịch) và “Chinese New Year” (Tết Trung Quốc). Học giả Trang Gia Dĩnh nhấn mạnh Tết Âm lịch (Nông lịch) là lễ hội phổ biến ở nhiều khu vực trên khắp châu Á, nếu như bản dịch tiếng Anh nào cũng phải bản địa hóa, thì “Trung Quốc có năm con Loong thì chúng tôi ở Singapore, Malaysia và Indonesia nên gọi là năm con Naga”.

Ông cho rằng việc Trung Quốc tự mình thay đổi bản dịch không có vấn đề gì. "Họ thích đổi thế nào thì đổi, miễn đừng bắt người ở nước khác và văn khóa khác đổi theo là được”.