Lễ hội khỏa thân Hadaka Matsuri lần đầu chào đón phụ nữ Nhật Bản sau hơn 1.250 năm

Phụ nữ đã lần đầu tiên được tham dự trong 1.250 năm lịch sử của lễ hội

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Phụ nữ Nhật Bản lần đầu tiên được tham dự trong 1.250 năm lịch sử của lễ hội
  • Tác giả, Shaimaa Khalil
  • Vai trò, Phóng viên thường trú tại Tokyo

Biển người hô vang, những người đàn ông gần như khỏa thân xô đẩy nhau hướng về phía ngôi đền. "Washoi! Washoi!" họ hô to - 'đi nào, cùng đi nào'.

Đây là khung cảnh gần như không thay đổi gì trong 1.250 lịch sử của Hadaka Matsuri, hay còn gọi là Lễ hội Khỏa thân, diễn ra tại ngôi đền Konomiya, miền trung Nhật Bản.

Nhưng năm nay đã có thay đổi - một thay đổi to lớn.

Ngoài đám đông đàn ông rộn ràng, một nhóm khác là những phụ nữ đầu tiên được tham gia.

Họ cùng tề tựu tại đây, biết rằng mình đang cùng tạo nên lịch sử. Được chen chân vào trong những không gian mà vốn theo truyền thống do đàn ông thống trị là không hề dễ ở bất cứ nơi đâu, nhưng với Nhật Bản - năm ngoái xếp thứ 125 trên 146 trong bảng chỉ số khoảng cách giới tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) - thì chuyện này đặc biệt khó khăn.

Không phải phụ nữ Nhật Bản chưa từng xuất hiện trong lễ hội này.

"Ở hậu trường, phụ nữ luôn làm việc cật lực để hỗ trợ các đấng mày râu trong lễ hội này," bà Atsuko Tamakoshi, người có gia đình đã làm việc trong lễ hội Konomiya qua hàng thế hệ, giải thích.

Cảnh người tham gia lễ hội khỏa thân tại Đền Owari Okunitama

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Một số người trong cộng đồng cho rằng lễ hội chỉ nên được duy trì là một sự kiện chỉ có đàn ông tham gia. Cảnh người tham gia lễ hội khỏa thân tại Đền Owari Okunitama.

Thế nhưng, ý tưởng về việc phụ nữ thật sự được tham gia lễ hội này - vốn được coi là nỗ lực của cánh đàn ông nhằm xua đuổi ma quỷ trước khi cầu phước lành tại ngôi đền - dường như chưa từng xuất hiện trước đó.

Theo ông Naruhito Tsunoda, chưa bao giờ có một lệnh cấm thật sự. Chỉ là chưa từng có ai đặt vấn đề mà thôi.

Và nếu có đặt vấn đề đi chăng nữa thì câu trả lời rất dễ dàng.

"Tôi tin điều quan trọng nhất là có một lễ hội vui vẻ cho hết thảy mọi người. Tôi nghĩ ông Trời sẽ cũng thuận lòng nhất về điều này," ông trả lời hãng tin Reuters.

Dù vậy, không phải tất cả mọi người trong cộng đồng đều đồng lòng thay đổi.

"Có nhiều tiếng nói quan ngại về việc (chúng tôi tham gia). Họ nói rằng, 'Tại sao phụ nữ lại tham gia lễ hội của đàn ông?', 'Đây là lễ hội của đàn ông, nghiêm túc đấy!'" bà Tamakoshi, 56 tuổi, giải thích.

"Nhưng tất cả chúng tôi đều đồng lòng thể hiện điều mình muốn làm. Chúng tôi tin rằng ông Trời sẽ độ trì nếu chúng tôi có lòng thành."

Những người phụ nữ chờ đến lượt mình tham gia thật sự thành tâm. Tuy nhiên, có một điều mà họ sẽ không làm, đó chính là khỏa thân.

Thay vào đó, nhiều người mặc "những chiếc áo khoác vui vẻ" - áo choàng dài màu tím - và quần cộc trắng, tương phản với những chiếc khố của đàn ông, khi mang theo lễ vật cúng bằng tre.

Họ sẽ không tham gia vào đám đông tranh giành, theo những người đàn ông đổ xô đến ngôi đền, hoặc leo lên nhau để chạm vào Shin Otoko, tức "vị thần đàn ông" - một người đàn ông được ngôi đền tuyển chọn. Chạm vào người này, theo truyền thống, sẽ giúp xua đuổi tà ma.

Điều đó không làm mất đi ý nghĩa của khoảnh khắc này.

"Tôi cảm thấy thời thế cuối cùng đã thay đổi," Yumiko Fujie nói với BBC. "Nhưng tôi cũng có ý thức về trách nhiệm."

Nhiều phụ nữ tại lễ hội thấy sự thay đổi này là rất quan trọng

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Nhiều phụ nữ tại lễ hội thấy sự thay đổi này là rất quan trọng

Những phụ nữ này không chỉ phá vỡ rào cản về giới tính khi tham dự. Họ đồng thời đang giữ cho truyền thống được trường tồn.

Trong tuần này, một lễ hội khỏa thân khác - được tổ chức tại Đền Kokuseki ở miền bắc Nhật Bản - có thể là kỳ lễ hội cuối cùng được tổ chức. Đơn giản là không đủ người trẻ để giúp cho lễ hội được duy trì.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất trên trái đất. Hồi năm ngoái, lần đầu tiên, cứ trong 10 người thì có một người ở tuổi 80 hoặc già hơn. Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở mỗi phụ nữ chỉ là 1,3 và vào năm ngoái chỉ có 800.000 em bé chào đời.

Thời khắc tiến về ngôi đền đã đến với những người phụ nữ này.

Họ đứng theo hai hàng song song và cầm theo gậy tre được quấn bằng dây ruy băng đỏ và trắng.

Bà Atsuko Tamakoshi dẫn đầu dòng người - huýt sáo để bắt nhịp câu hò mà trong hàng chục năm qua chỉ có đàn ông mới được cất lên.

'Washoi Washoi," các chị em hô to.

Bà Atsuko Tamakoshi là một trong những phụ nữ lần đầu tiên tham gia lễ hội khỏa thân này
Chụp lại hình ảnh, Bà Atsuko Tamakoshi là một trong những phụ nữ lần đầu tiên tham gia lễ hội khỏa thân này

Các cô các bà tham gia chăm chú vào những chuyển động và nhịp bước mà họ đã tập dượt hàng tuần qua. Họ biết cần phải làm cho đúng.

Biết rằng truyền thông và khán giả đang dõi mắt theo, họ cười với sự căng thẳng pha lẫn phấn khích.

Có nhiều tiếng cổ vũ từ đám đông đang xem, một số người la lớn "Gambatte" (Tiếp tục đi nào!), khi họ bước đi trong tiết trời lạnh giá.

Họ tiến vào sân ngôi đền Konomiya Shinto và, giống như cánh đàn ông, họ được xịt nước lạnh. Điều này dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Sau khi lễ vật được tiếp nhận, họ kết thúc nghi lễ với màn chào truyền thống gồm hai lần cúi chào, hai lần vỗ tay và một lần cúi chào cuối.

Và sau đó là khoảng khắc vỡ òa. Họ rộn rã chúc mừng nhau, nhảy nhót và ôm nhau khóc. "Arigatogozaimasu! Arigato!" Cảm ơn! Cảm ơn! Họ nói với nhau và đám đông không ngớt cổ vũ họ.

"Tôi đã khóc," bà Michiko Ikai nói. "Tôi từng không chắc là liệu mình có thể tham gia được hay không, nhưng giờ tôi có cảm giác vừa đạt được điều gì đó."

Khi ra khỏi ngôi đền, họ được mọi người vịn lại chụp ảnh chung và truyền thông đến để phỏng vấn. Họ vui vẻ hợp tác.

Những phụ nữ tham gia nói họ cảm thấy tự hào vô cùng
Chụp lại hình ảnh, Những phụ nữ tham gia nói họ cảm thấy tự hào vô cùng

"Tôi đã làm được. Tôi rất hạnh phúc," Mineko Akahori nói với BBC. "Tôi thật sự biết ơn khi là một phụ nữ lần đầu tiên có thể tham dự."

Minako Ando, bạn và là đồng đội của bà, nói thêm rằng nội việc "trở thành những người đầu tiên thực hiện điều gì đó đã là quá tuyệt vời rồi".

"Thời cuộc đang thay đổi," bà Hiromo Maeda nói. Gia đình bà có một nhà nghỉ trong vùng và đã đón một số người tham gia là nam giới trong 30 năm qua.

"Tôi nghĩ lời khấn cầu của chúng tôi đều giống nhau. Không quan trọng là nam hay nữ. Lòng thành của chúng tôi là giống nhau."

Đối với bà Atsuko Tamakoshi, người đóng vai trò quan trọng trong lễ hội, có một thời khắc để nhìn lại điều mà họ đã cùng nhau đạt được. Bà cảm thấy xúc động và nhẹ nhõm.

"Lâu nay chồng tôi luôn tham gia lễ hội này," bà chia sẻ với BBC. "Và tôi luôn là khán giả. Bản thân tôi hiện tràn đầy lòng biết ơn và hạnh phúc."