Hong Kong: Tương lai nào cho trung tâm tài chính toàn cầu?

Ảnh chụp các tòa nhà cao tầng của Hong Kong nhìn từ núi Thái Bình

Nguồn hình ảnh, Costfoto/NurPhoto/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Liệu Luật An ninh Quốc gia mới thông qua có làm lung lay vị thế trung tâm tài chính hàng đầu của Hong Kong?

Có một câu chuyện đùa mới đang lưu truyền ở Hong Kong: người dân tự chế giễu thành phố của họ vì đã đánh mất vị thế là cục cưng của giới đầu tư toàn cầu. Hay như người ta đùa, Hong Kong là cái tên mới nhất trong danh sách di sản của UNESCO.

Luật an ninh mới (hay thường được gọi là Điều 23) cứng rắn hơn vừa đi vào hiệu lực cuối tuần qua đã khơi dậy trở lại những mối lo vốn đang âm ỉ.

Giới kinh doanh đã tỏ ra e dè hơn khi luật mới cho phép xét xử kín và kết án chung thân với một loạt tội danh, từ phản loạn cho đến phản quốc. Không những vậy, phạm vi cấu thành các tội danh này cũng được xác định rất rộng.

Nhà chức trách nói rằng luật mới sẽ giúp bảo vệ thành phố và đảm bảo sự ổn định, trong khi những người chỉ trích quan ngại rằng nó sẽ dập tắt mọi tiếng nói bất đồng.

Trên thực tế, bàn tay thép của Bắc Kinh và căng thẳng Mỹ - Trung đã đẩy các nhà đầu tư nước ngoài dần rời bỏ thành phố này. Phương châm của họ bây giờ là "đâu cũng được trừ Trung Quốc", ông Trần, một chuyên gia về bất động sản không muốn nêu tên đầy đủ, cho hay.

“Hong Kong từng được xem là tách biệt với Trung Quốc, nên giới đầu tư vẫn có thể đổ tiền về đây – bây giờ thì không còn nữa,” ông nói.

Hệ quả từ Điều 23

Các nghị sĩ Hong Kong giơ tay biểu quyết luật an ninh quốc gia mới

Nguồn hình ảnh, PETER PARKS/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong biểu quyết thông qua Điều 23 hôm 19/3. Luật mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/3, giới chỉ trích cho rằng nó sẽ là công cụ để chính quyền dập tắt mọi tiếng nói bất đồng.

Việc luật mới nhấn mạnh vào an ninh quốc gia và mối nguy hiểm từ các “thế lực nước ngoài” – vốn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong luật pháp và các chính sách gần đây của Bắc Kinh – đã làm tăng thế khó cho doanh nghiệp hoạt động trong thành phố.

“Tình hình kinh doanh trong hai năm qua rất chán, chẳng kiếm được mối nào lớn cả,” ông Tạ, công chức tại một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, cho biết. Ông nói công ty của ông đã sa thải 10% nhân viên vào tháng Sáu năm ngoái và mới tuần qua lại có thêm 5% nữa phải ra đi. "Không ai biết khi nào sẽ đến lượt mình."

Theo Johannes Hack, Chủ tịch Phòng Thương mại Đức, vẫn còn quá sớm để đánh giá rủi ro của Điều 23 đối với giới kinh doanh. Tuy nhiên, nó có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp bởi các điều luật mới có “nội hàm rộng”, cũng như nguy cơ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng nếu vi phạm”, ông nhận xét.

Trả lời BBC, chính quyền Hong Kong cho biết Điều 23 sẽ giúp thành phố đạt đến thịnh vượng và sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh “bình thường”. Họ nói thêm rằng việc chỉ trích nhắm riêng vào Hong Kong là “quá đáng” vì các nước khác cũng có luật an ninh quốc gia.

Điều 23 của Hong Kong, mở rộng thêm từ nội dung của Luật An ninh Quốc gia do Trung Quốc áp đặt từ năm 2020, được ban hành vào thời điểm chính quyền thành phố đang cố gắng trấn an thế giới rằng nơi đây vẫn là một cỗ máy tài chính năng động.

Cảnh sát Hong Kong khống chế một người biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia

Nguồn hình ảnh, ISAAC LAWRENCE/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hơn 260 người đã bị bắt giữ kể từ khi cuộc biểu tình phản đối luật an ninh nổ ra năm 2020

Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu đã bác bỏ quan điểm cho rằng chính quyền chỉ chăm chăm quan tâm đến an ninh quốc gia là "nực cười", ông gọi những lo ngại đó là một hình thức "phản kháng mềm".

Nền kinh tế Hong Kong đã quay cuồng dưới chiến dịch trấn áp của Bắc Kinh kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2019 và chính sách Zero-Covid hà khắc. Nhu cầu thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ giảm mạnh làm tăng tỷ lệ bỏ trống tại các tòa nhà văn phòng và cửa hàng mặt tiền. Khách du lịch cũng thưa hơn, năm ngoái, lượng du khách đến thành phố chỉ bằng 60% thời điểm trước đại dịch.

Giá trị chỉ số Hang Seng - được coi như viên ngọc trên vương miện của ngành tài chính Hong Kong - đã tụt hơn 40% kể từ năm 2019. Tháng Một vừa qua, Ấn Độ đã vượt Hong Kong để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới. Singapore cũng đang nổi lên như một đối trọng đáng gờm. Trong khi đó, các ngân hàng toàn cầu đã sa thải bớt nhân sự phụ trách thị trường Hong Kong và Trung Quốc, với lý do tăng trưởng trì trệ và niềm tin của nhà đầu tư giảm sút.

Theo sau đó là một cuộc di cư của dòng vốn và nhân lực ra khỏi thành phố. Vừa qua, cựu giám đốc Morgan Stanley châu Á đã tuyên bố trong một bài báo rằng “Hong Kong đã cáo chung”. Còn nhà đầu tư kỳ cựu Lâm Nhất Minh mới đây đã nêu quan điểm trên một tạp chí kinh tế rằng các nhà đầu tư nên “trân quý cuộc sống của mình và tránh xa chứng khoán Hong Kong”.

“Ấn tượng của bên ngoài về Hong Kong” đã thay đổi, ông Johannes Hack nói.

“Mặc dù thành phố này vẫn có những khác biệt rõ rệt so với đại lục, nhưng việc chú trọng vào an ninh có thể khiến sự rõ rệt ấy ngày càng mờ đi trong tâm trí mọi người.”

Một quốc gia, hai chế độ

Người dân nhìn ra cảng Victoria trong cơn dông. Xung quanh cắm cờ Trung Quốc và Hong Kong nhân dịp kỷ niệm 25 năm Anh trả thành phố về tay đại lục.

Nguồn hình ảnh, Anthony Kwan/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Gần 30 năm kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, Bắc Kinh đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với thành phố này

Hong Kong, từng là thuộc địa của Anh, đã vận hành theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh hứa rằng thành phố sẽ được hưởng các quyền tự do dân sự trong vòng nửa thế kỷ.

Nhưng phía chỉ trích cho rằng Trung Quốc đã bội ước, đàn áp biểu tình ủng hộ dân chủ và áp đặt Luật An ninh Quốc gia (NSL) vào năm 2020, dẫn đến việc hơn 260 người, bao gồm cả một số cựu nghị sĩ, bị bắt giữ. Trong khi đó, nhà chức trách bảo vệ bước đi này, nói rằng nó đánh dấu sự chuyển mình “từ loạn sang trị" của thành phố.

Theo Điều 23 của Luật Cơ bản Hong Kong, hay còn được biết đến là “tiểu hiến pháp” của Hong Kong, thành phố cần ban hành luật an ninh riêng. Tuy nhiên, quá trình ban hành luật này của chính quyền đã gặp nhiều trở ngại. Nỗ lực đầu tiên vào năm 2003 đã thất bại sau khi có nửa triệu người xuống đường phản đối. Nhưng lần này, Điều 23 được thông qua chưa đầy hai tuần sau khi được đệ trình.

Dưới thời Tập Cận Bình, an ninh quốc gia có “tầm quan trọng bậc nhất”, còn vị thế của Hong Kong với tư cách là một xã hội tự do và cửa ngõ quốc tế chỉ đứng bậc hai, Trần Gia Lạc, nhà khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận xét.

Tiến sĩ Trần Gia Lạc nói rằng việc Hong Kong bắt giữ và buộc tội ông trùm truyền thông Jimmy Lai theo luật an ninh quốc gia là một "sự thức tỉnh đối với cộng đồng quốc tế".

"Luật an ninh quốc gia không có giới hạn. An toàn cá nhân, quyền tư hữu và tài sản tư nhân đều không được đảm bảo."

Nếu bị kết án, ông trùm truyền thông Jimmy Lai phải đối mặt với mức án chung thân về tội đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Anthony Kwan/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nếu bị kết án, ông trùm truyền thông Jimmy Lai phải đối mặt với mức án chung thân về tội đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ông từng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của phong trào dân chủ tại Hong Kong.

Sau khi cảnh sát bố ráp tòa báo Apple Daily của ông Lai vào năm 2021, công ty của ông đã bị đình chỉ giao dịch và đến đầu năm 2023 thì bị hủy niêm yết. Nhà tài phiệt 76 tuổi hiện vẫn đang bị xét xử. Ông đã ngồi tù ba năm và khối tài sản trị giá 500 triệu đô la Hong Kong (64 triệu USD) của ông đã bị phong tỏa.

Hệ thống thông luật của Hong Kong, tồn tại từ thời còn là thuộc địa Anh và là nền tảng của pháp luật Hong Kong, đã chịu kiểm soát chặt từ sau các phiên tòa xét xử người biểu tình dân chủ. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp của Hong Kong vẫn được coi là độc lập, ít nhất là trong các vụ án thương mại. Mặc dù vậy, giới chỉ trích đã bày tỏ lo ngại rằng đặc khu trưởng Lý Gia Siêu giờ đây có thể tự tay chỉ định thẩm phán xử các vụ liên quan đến an ninh quốc gia.

Để thích ứng với luật an ninh, các doanh nghiệp ở Hong Kong phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm tránh rủi ro về chính trị - tương tự như ở đại lục, Tiến sĩ Trần Gia Lạc nói.

"Không ai hiểu hết được đường hướng chính trị, nên các công ty lớn bắt đầu phải tuyển thêm cố vấn chính trị để giúp đánh giá rủi ro và xây dựng mối quan hệ với chính giới. Đây đều là những loại chi phí mới, làm giảm hiệu quả kinh doanh."

Đầu tư hay không đầu tư

Theo Từ Gia Kiện, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu Orientis, vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong không nên bị hạ thấp. Ông Từ cho rằng thành phố nên tận dụng lợi thế của mình - hệ thống thuế đơn giản, nhiều ưu đãi, cũng như thực tế rằng đây là thành phố duy nhất của Trung Quốc không kiểm soát ngoại hối. Đồng đô la Hong Kong cũng được neo tỷ giá với đồng đô la Mỹ, mang lại sự ổn định tài chính tốt.

“Ngay cả khi Hong Kong chỉ còn là một thành phố của Trung Quốc, thì người nước ngoài vẫn muốn làm ăn với Trung Quốc.”

Tuy vậy, niềm tin với thành phố đang bị lung lay, nhất là khi nó phải hứng chịu dư âm từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, đang bị hãm lại bởi núi nợ và cuộc khủng hoảng bất động sản.

Đại lục là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư lớn thứ hai của thành phố. Một nửa trong số 2.600 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong là từ Trung Quốc đại lục.

Hình ảnh lễ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Xiaomi tại Hong Kong

Nguồn hình ảnh, Anthony Kwan/Bloomberg/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hong Kong từng là điểm đến hàng đầu cho các thương vụ IPO

Tuy nhiên, một quy định mới mà Bắc Kinh ban hành năm ngoái yêu cầu các công ty Trung Quốc phải được chính quyền đồng ý trước khi niêm yết ở nước ngoài. Việc này đã khiến quy trình trở nên nhiêu khê hơn rất nhiều, một chuyên viên ngân hàng giấu tên cho hay.

“Chúng tôi chỉ biết đợi vì không ai biết được tiến độ thế nào. Nếu là các công ty hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như an ninh dữ liệu hay công nghệ gien, thì quy trình sẽ cực kỳ chậm.”

Theo báo cáo, Hong Kong hiện đứng thứ tám trong số các điểm đến IPO (phát hành chứng khoán lần đầu) hấp dẫn nhất thế giới. Trước đó, thành phố từng bảy lần đứng số một trong vòng 15 năm qua.

“Bắc Kinh muốn các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn từ nước ngoài để cứu nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng lo các công ty này sẽ không còn nằm trong tầm kiểm soát sau khi niêm yết,” vị chuyên viên ngân hàng giấu tên nói.

“Họ muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng rốt cuộc chính điều đó sẽ giết chết thị trường tài chính.”

---

Grace Tsoi đưa tin bổ sung từ Hong Kong.