Đánh bom Lãnh sự quán Iran: Việt Nam lên án, Mỹ cảnh giác cao độ

Hình ảnh của Lãnh sự quán Iran tại Syria sau khi bị đánh bom

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh của Lãnh sự quán Iran tại Syria sau khi bị đánh bom

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng sau khi Lãnh sự quán Iran tại Damascus, Syria bị đánh bom. Cùng lúc, Mỹ cảnh giác trước nguy cơ leo thang xung đột.

"Việt Nam lên án vụ tấn công nhằm vào tòa nhà của Đại sứ quán Iran tại Syria. Các trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự phải được tôn trọng và bảo vệ theo luật pháp quốc tế.

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tránh làm leo thang căng thẳng ở khu vực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân, các thành viên cơ quan đại diện và gia đình,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói vào 6/4.

Iran hiện cũng có đại sứ quán tại Hà Nội.

Vụ tấn công nói trên diễn ra vào thứ Hai ngày 1/4 và khiến bảy người thiệt mạng.

Trong số đó, có ba chỉ huy cấp cao của Iran, bao gồm Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Iran hiện đang cáo buộc Israel thực hiện vụ tấn công.

Iran đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ tấn công, nói rằng hành động này "đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh khu vực” và tuyên bố Iran có quyền lựa chọn "phản ứng quyết định."

Vụ việc khiến leo thang đáng kể căng thẳng trong cuộc chiến giữa Israel với các quốc gia đối lập trong khu vực, theo Reuters.

Israel hiện chưa công khai thừa nhận cáo buộc của Iran, nhưng đã khẳng định sẽ đánh phủ đầu bất cứ ai “làm hại hoặc có ý định làm hại Israel”.

Phản ứng từ Mỹ

Mỹ, một đồng minh lâu năm của Israel, đang ở trong tâm thế cảnh giác cao độ, chuẩn bị cho khả năng Iran trả đũa bằng cách tấn công các cơ sở và tài sản của Israel hoặc Mỹ trong khu vực, theo lời một quan chức Mỹ nói vào thứ Sáu (5/4).

“Chúng tôi đang cực kỳ cảnh giác,” quan chức này cho biết khi đề cập tới thông tin của CNN về một cuộc tấn công có thể xảy ra tuần sau.

Trước đó, vào thứ Năm (4/4), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận qua điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về sự đe dọa từ Iran.

"Chúng tôi [Mỹ và Israel] đã liên tục giữ liên lạc từ lúc đó. Mỹ sẽ hết lòng hỗ trợ Israel chống lại các mối đe dọa đến từ Iran," một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.

Các nhà phân tích đang có những ý kiến trái chiều về khả năng leo thang căng thẳng do ảnh hưởng của cuộc tấn công vào Đại sứ quán Iran ở Syria.

Từ tổ chức tư vấn CSIS của Washington, ông Jon Alterman đánh giá vụ việc lần này phần nào phản ánh niềm tin của Israel rằng các cuộc tấn công có tác dụng răn đe và làm giảm đi khả năng diễn ra xung đột diện rộng.

“Israel tin chắc rằng nếu họ lùi bước, mối đe dọa sẽ chỉ gia tăng chứ không hề giảm,” ông nói.

“Họ tin rằng miễn là họ làm gì đó một cách định kỳ thì sẽ răn đe được đối phương.”

Ngược lại, ông Steven Cook, nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, lại nhìn thấy nguy cơ leo thang.

“Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có thể nới lỏng các hạn chế đối với các lực lượng ủy nhiệm ở Iraq và Syria, khiến binh lính Mỹ một lần nữa gặp nguy hiểm,” ông nói.

"Iran cũng có thể chỉ đạo Hezbollah tăng cường các cuộc tấn công vào Israel, vốn đã ngày càng táo tợn và thường xuyên hơn."

Cái khó của Iran

Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ trả thù. Điều này có nguy cơ làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột tại Trung Đông kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra hồi tháng 10, theo Reuters.

Tuy nhiên, hai quan chức Iran khác cho biết quốc gia này sẽ không thay đổi cách thức tiếp cận được đề ra từ tháng 10/2023 - tránh xung đột với Israel và Mỹ, nhưng ủng hộ các đồng minh tấn công Israel, quân đội Mỹ và tàu bè ở Biển Đỏ, những cuộc tấn công mà Iran cho rằng là để hỗ trợ Gaza.

Một trong hai quan chức nói trên cho biết Iran buộc phải có phản ứng nghiêm túc để ngăn Israel lặp lại hoặc leo thang việc tấn công tương tự. Tuy nhiên, mức độ trả đũa sẽ chỉ mang tính răn đe, người này nói thêm nhưng không nêu chi tiết.

Văn phòng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

Vào thứ Ba (2/4), Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết một nhà ngoại giao người Thụy Sĩ đại diện cho lợi ích của Hoa Kỳ tại Iran đã được Tehran triệu tập để nhấn mạnh trách nhiệm của Washington trong vụ tấn công.

“Một thông điệp quan trọng đã được gửi đến chính phủ Mỹ với tư cách người ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Mỹ phải trả lời,” ông Amirabdollahian đăng tải trên tài khoản X (Twitter).

Washington đã xác nhận với Tehran rằng Mỹ “không liên quan” và không có thông tin cụ thể về cuộc tấn công của Israel, hãng truyền thông Axios dẫn lời một quan chức của Mỹ.

Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei trước quan tài của các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng trong vụ đánh bom

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei trước quan tài của các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng trong vụ đánh bom

Cũng vào thứ Ba (2/4), Washington đã thẳng thừng cảnh cáo Tehran không nên tấn công các lực lượng của Mỹ.

Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng Iran hiện đang đối mặt với một bài toán khó – muốn đáp trả để ngăn chặn Israel lặp lại các cuộc tấn công nhưng đồng thời tránh được một cuộc chiến toàn diện.

“Họ [Iran] đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đang tìm cách điều chỉnh hành động sao cho thể hiện được rằng họ có phản ứng nhanh nhưng lại không gây leo thang,” ông nói.

“Nếu họ không phản ứng, đó thực sự sẽ là tín hiệu cho thấy khả năng răn đe của họ chỉ là một con hổ giấy.”

Người này cho rằng Iran có thể tấn công các vùng đất nằm trong vành đai phòng thủ của Israel, các đại sứ quán Israel hoặc các cơ sở của người Do Thái ở nước ngoài.

Ông Elliott Abrams, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cũng cho biết ông tin rằng Iran không muốn một cuộc chiến toàn diện với Israel nhưng có thể nhắm vào lợi ích của Israel.

“Tôi nghĩ Iran hiện không muốn có một cuộc chiến lớn giữa Israel và Hezbollah. Do đó, động thái đáp trả sẽ không xuất phát từ Hezbollah,” ông Abrams nói với Reuters.

“Họ có nhiều cách khác để đáp trả… chẳng hạn tìm cách cho nổ tung đại sứ quán Israel,” ông nói thêm,

Iran cũng có thể đáp trả bằng cách đẩy nhanh chương trình hạt nhân, theo Reuters.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạn chế hạt nhân Iran năm 2015, với tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), để đổi lấy lợi ích kinh tế.