Chiến tranh Ukraine: Vết thương Bucha vẫn còn nguyên sau hai năm

Bà Ludmila cuối cùng đã có thể dựng một tấm bia cho ngôi mộ của chồng, ông Valeriy, sau hai năm
Chụp lại hình ảnh, Bà Ludmila cuối cùng đã có thể dựng một tấm bia cho ngôi mộ của chồng, ông Valeriy, sau hai năm

Tháng 3/2022, quân xâm lược Nga đã chiếm đóng thị trấn Bucha của Ukraina ở ngoại ô Kyiv, để lại dấu vết chết chóc và hủy diệt khiến cả thế giới chấn động. Hai năm sau khi Nga rút quân khỏi thị trấn này, Sarah Rainsford, phóng viên Đông Âu của BBC, đã trở lại để xem những cư dân bị tổn thương đang cố gắng trở lại cuộc sống bình thường như thế nào.

Khi lính Nga giết chồng của Ludmila, bà phải quấn xác ông trong chăn và chôn sau vườn nhà. Rồi bà và con gái rời Bucha. Lúc bấy giờ là tháng 3/2022. Quân Nga đã chiếm thị trấn nhỏ nằm sát ngay Kyiv này và chiếm nhà dưỡng lão. Họ lái xe tăng vào sân và dùng ngôi nhà đối diện làm trụ sở.

Hai năm trôi qua, Ludmila cuối cùng đã dựng được một tấm bia đá cẩm thạch có ảnh trên mộ Valeriy. Sau khi Bucha được giải phóng, bà đã có thể làm lễ cải táng cho chồng tới nghĩa trang địa phương. Ngôi nhà của hai vợ chồng, bị phá hủy trong trận chiến, đang dần được xây dựng lại. Ludmila đang trồng những bông hoa rực rỡ trong vườn. Nhưng khi ngôi nhà được xây xong, bà sẽ sống ở đó một mình.

Tái thiết là một phần trong nỗ lực khôi phục Bucha khỏi đống đổ nát sau khi Nga rút quân. Khi quân Ukraine chiếm lại thị trấn, họ phát hiện các thi thể của thường dân bị bắn chết nằm rải rác trên phố Yablunska. Đây là lần đầu tiên thế giới biết về nỗi kinh hoàng mà Bucha trải qua trong 33 ngày bị chiếm đóng.

Thị trưởng Anatoliy Fedoruk giải thích: “Chúng tôi có nghĩa vụ hỗ trợ các gia đình sống trên con phố đó. Hơn 70 thường dân đã bị giết và tra tấn dã man ở đó.”

Phố Yablunska và khu vực xung quanh đã được dọn dẹp, trồng trọt và xây dựng lại ở một số nơi. Nhưng theo thị trưởng, quân Nga đã chiếm "gần như mọi ngôi nhà, mảnh vườn". Ông ước tính tổng chi phí tái thiết là 1,7 tỷ USD. "Tất nhiên chúng tôi không có số tiền này. Nhưng chúng tôi đang làm mọi cách có thể để đưa người dân trở về nhà của họ."

Ludmila bồn chồn muốn quay trở lại ngôi nhà mới của mình
Chụp lại hình ảnh, Ludmila nóng lòng muốn quay trở lại ngôi nhà mới của mình

Chỉ cách phố Yablunska vài bước chân, ngôi nhà mới của Ludmila vẫn chỉ là một chỗ tạm bợ. Thợ xây hứa sẽ hoàn thành nhà vào mùa hè, nhưng nhiều ngày qua bà không nhìn thấy họ. Vô gia cư trong hai năm, Ludmila nóng lòng muốn chuyển đến sống trong ngôi nhà mới.

“Tôi đang cố gắng chống chọi, nhưng huyết áp của tôi cao, điều này chưa bao giờ xảy ra trước chiến tranh,” bà nói và đưa tôi đi tham quan khu vực xây dựng. "Tôi đang được chụp tim, có dấu hiệu rắc rối. Tất cả là do căng thẳng. Từ những ký ức."

Năm 2022, không lâu sau khi quân Nga rút lui, tôi đã thấy phần còn lại của ngôi nhà cũ đã bị cháy rụi của bà Ludmila. Sân vẫn chất đầy những chai rượu và giấy gói khẩu phần ăn của binh lính Nga. Đó là rác thải từ những kẻ đã bắn vào đầu chồng bà khi ông ngoi lên khỏi căn hầm nơi hai vợ chồng đang ẩn náu trong chốc lát. Bà tìm thấy thi thể chồng, nằm sấp mặt trên hiên nhà, vào tối hôm đó.

Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, một trong hàng trăm vụ án bị nghi ngờ là tội ác chiến tranh ở Bucha. Bà Ludmila gần đây đã được cảnh sát gọi đến sau khi họ tìm thấy đoạn phim từ máy quay an ninh (CCTV). Cảnh sát hy vọng bà có thể giúp xác định danh tính những người lính trên phim.

Ngôi nhà bị cháy của Ludmila trong một bức ảnh được chụp hai năm trước
Chụp lại hình ảnh, Ngôi nhà bị cháy của Ludmila trong một bức ảnh được chụp hai năm trước

"Có lẽ chúng có thể bị truy tố vắng mặt. Tôi biết phía Nga sẽ không bao giờ giao nộp bọn chúng," bà Ludmila nói một cách thực tế về khả năng có ai đó bị buộc phải chịu trách nhiệm về vụ giết người. “Bản thân tôi muốn túm cổ chúng và yêu cầu chúng cho biết lý do tại sao chúng đến đây,” bà nói. "Chúng là lũ cặn bã."

Đằng sau những bức tường trắng của Nhà thờ St Andrew, nơi nhiều người được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể trong thời kỳ bị chiếm đóng, hiện có một bức tường tưởng niệm với những tấm kim loại. Tới nay đã có 509 cái tên. Một số tấm bảng vẫn còn trống vì có hơn 100 thi thể không xác định được danh tính tại nghĩa trang thị trấn, được khai quật từ những ngôi mộ nông khắp Bucha và được cải táng. Các mẫu DNA được lấy trước tiên với hy vọng một ngày nào đó sẽ có người đến tìm kiếm chúng.

Các tấm bảng khác trên tường tưởng niệm không có ngày mất - chỉ có tháng Ba, khi Bucha bị Nga chiếm đóng. Đối diện là tấm biển liệt kê hàng chục người còn mất tích. Trong số những cái tên có Bogdan Kostarenko, người có vợ là bà Natalia mà tôi gặp lần đầu vào năm 2022. Khi đó tôi đang điều tra vụ sát hại năm người đàn ông ở Bucha. Thi thể của họ được tìm thấy bên dưới một khu trại hè dành cho trẻ em. Chồng bà Natalia bị lính Nga bắt đi và bà lo sợ ông có thể là một trong những người đã thiệt mạng. Nhưng ông không nằm trong số đó.

Hơn 500 cái tên được hiển thị trên bức tường tưởng niệm của Bucha
Chụp lại hình ảnh, Hơn 500 cái tên được gắn trên bức tường tưởng niệm của Bucha

Sau nhiều tháng tìm kiếm, cuối cùng bà cũng lần ra được dấu vết của Bogdan tại một nhà tù ở Nga. Bà Natalia nói: “Họ đưa anh ấy đến Belarus, sau đó đến Trại giam Số Hai ở Bryansk [Nga]”. Thông qua những người Ukraine được dùng để đổi lấy tù binh Nga, bà biết được rằng chồng bà sau đó được chuyển đến một nhà tù ở Tula, phía nam Moscow.

“Nga đã chính thức xác nhận anh ấy là tù nhân, nhưng tôi phải tìm anh ấy thông qua những mối quan hệ của mình,” bà nói với tôi. "Họ lẽ ra nên trả dân thường lại, nhưng họ lại không làm vậy."

Bogdan giải ngũ vào năm 2019 vì chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Là một tù nhân dân sự, bà Natalia lo rằng cơ hội được trao đổi của mình rất mong manh, vì cho đến nay chỉ có vài chục người không tham chiến được trở về. "Có rất nhiều thường dân ở Bucha mất tích - những người mà chúng tôi biết đang ở trong tù, nhưng Nga chưa xác nhận. Ít nhất họ đã chính thức thừa nhận có Bogdan."

Bà Natalia đã không nhận được tin tức trực tiếp nào từ chồng mình kể từ khi ông bị bắt. Nhưng bà biết từ những người khác bị giam ở Bryansk rằng họ đã bị tra tấn. Bà kể với tôi: “Họ nói rằng họ không được cho ăn, họ bị đánh đập thậm tệ, thậm chí bị tra tấn bằng điện giật và bị đánh bằng ống nước. Bây giờ tôi không biết phải làm gì cả. Tôi không thể giải cứu anh ấy. Tôi không thể tìm ra cách nào để làm điều đó."

Bản thân Natalia vốn là người gốc Nga. Cha mẹ bà đến từ đất nước hiện đang giam giữ chồng bà làm tù nhân bất hợp pháp và bị buộc tội ngược đãi ông. Chính những người như Natalia đã được Vladimir Putin lấy làm cớ để xâm chiếm Ukraine. Ông ta tuyên bố họ cần được cứu khỏi sự đối xử tàn bạo dưới bàn tay của chính phủ "Quốc xã" ở Kyiv.

Khi chúng tôi nói chuyện ngoài sân, bọn trẻ chơi bóng đá, cười đùa và la hét. Hầu hết người dân Bucha rời đi trong chiến tranh nay đã trở về, trong đó có nhiều người từng chạy khỏi Ukraine để tị nạn. Nhưng bà Natalia lo lắng mọi chuyện có thể lại xấu đi. “Chị thấy Putin định làm gì rồi chứ. Ông ta đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công khủng bố ở Moscow,” bà nói với tôi, đề cập đến vụ tấn công vào tháng trước tại địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc Crocus. "Tôi nghĩ ông ta muốn một cuộc chiến toàn diện. Huy động toàn lực."

BBC

Bên kia thị trấn, bà Ludmila cũng lo lắng, đặc biệt là trước sự gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga gần đây. Bà liên tục đến thăm ngôi nhà của mình để kiểm tra tiến độ thi công và để gần gũi hơn với những ký ức của mình trước khi bị chiếm đóng. Bà cho Murka, chú mèo hoang mà ông Valeriy từng thích chụp ảnh, ăn.

"Cảnh tàn phá này có ở khắp Ukraine! Mọi người đang xây dựng lại ở Bucha và đó thật sự là niềm vui lớn. Nhưng vẫn không có hòa bình, không có ổn định."

Ludmila chỉ cho tôi những cây nghệ tím và hoa chuông xanh và những chồi xanh của hoa thủy tiên vàng. Sau đó, bà dẫn tôi qua hiên nhà nơi Valeriy bị bắn, qua cánh cổng gỗ dẫn vào khu đất nơi bà đã chôn cất chồng .

"Hãy nhìn xem có bao nhiêu bông hoa tulip đang nở!" Bà Ludmila chỉ về phía ấy, giờ lại là một bồn hoa gọn gàng. "Nơi này từng rất đáng yêu. Chúng ta sẽ sớm có hoa nở khắp nhà."