50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ngư dân Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa trước dân quân biển Trung Quốc

Ngư dân may lưới tại đảo Lý Sơn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một ngư dân tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vào năm 2022
  • Tác giả, Huyền Trân
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và tỉnh Đà Nẵng cho BBC News Tiếng Việt biết các ngư dân đang phải tránh xa vùng ngư trường Hoàng Sa vài chục hải lý để đảm bảo an toàn trước những tàu dân quân biển và tàu chấp pháp của Trung Quốc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho biết trong khoảng hai đến ba năm trở lại đây, tần suất tấn công của ngư dân Trung Quốc với tàu bè ngư dân ở Đà Nẵng “có giảm mạnh về tần suất, số lần tấn công và quy mô”.

Cụ thể, các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng là những tàu lớn trên 17 mét, hoạt động đánh bắt quanh năm, kéo dài 15-20 ngày hoặc cho đến vài tháng.

Đà Nẵng có chưa đến 100 tàu như vậy và mỗi tàu thường có năm đến bảy người, theo ông Lĩnh, người đã gắn bó với bà con ngư dân trong bốn thập kỷ qua.

“Mặc dù Việt Nam nói là chủ quyền của mình, nhưng khi tàu mình vô thì bị rượt đuổi như thường. Vì thế trong hai năm trở lại đây, tàu bị xua đuổi thì có, nhưng bị cướp cá, cướp lưới, hay sát thương ngư dân như trước đây thì không còn. Khu vực Trung Quốc xua đuổi cũng bị thu hẹp lại. Đây chỉ là tình hình đối với tàu Đà Nẵng thôi.”

“Thỉnh thoảng xảy ra ngư dân bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, trước đây có khi kéo dài cả chục tiếng đồng hồ, chủ yếu Trung Quốc muốn khiến ngư dân sợ và bỏ chạy thôi,” ông Lĩnh cho biết.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, gần đây vẫn còn trường hợp ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, xịt vòi rồng khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, cụ thể là tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đánh giá sự tấn công của Trung Quốc nhằm vào ngư dân Việt Nam “nhìn chung vẫn cao”.

“Cả năm 2023, vẫn có tàu chấp pháp Trung Quốc ở Trường Sa, Hoàng Sa xua đuổi tàu ngư dân Việt Nam. Bà con bị cản phá, cản trở, rồi có trường hợp đâm va, lên tàu cướp tài sản…”

“Theo số lượng thống kê sơ lược [chưa đầy đủ] của hội thì mỗi tỉnh xảy ra vài chục vụ ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản phá trong năm 2023, nhìn chung vẫn cao,” ông Thắng nói.

Tránh vùng ‘nhạy cảm’

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam vào ngày 2/6/2014 sau khi giàn khoan HD 981 xuất hiện tại vùng biển Hoàng Sa

Về tình hình ngư dân Đà Nẵng ra khơi, ông Lĩnh cho biết hiện nay bà con được trang bị bản đồ, thiết bị vệ tinh, nhưng phải tránh những vùng bị xem là “nhạy cảm”.

“Bà con căn cứ theo bản đồ ngư trường mà Cục Thủy sản Việt Nam công bố và cả kinh nghiệm để ra khơi. Bản đồ chính phủ thì vẫn ghi Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng ngư dân thì đâu dám tới.”

“Các ngư dân Đà Nẵng cũng là người làm thuê thôi, ông chủ tàu thì không có đi, nên ngư dân cũng tránh những vùng bị cho là nhạy cảm.”

“Ngư dân thường tránh ngư trường Hoàng Sa khoảng 15 hải lý. Khi vào từ 15 hải lý trở xuống thì họ sẽ bị tàu Trung Quốc xua đuổi hoặc phát cảnh báo, nên ngư dân không tha thiết gì vào, vì chưa chắc có cá, mà cũng nguy hiểm nữa,” ông Lĩnh nói thêm.

Không những rủi ro bị tàu Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1/5 đến 16/8 hàng năm.

Chụp lại video, 50 Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì

Lệnh cấm này đã được Bắc Kinh đơn phương ban bố từ năm 1999 đến nay. Bất chấp sự phản đối thường xuyên từ Việt Nam và các nước, Bắc Kinh vẫn không cho thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào.

Hội Nghề cá Việt Nam, hiện đã đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam từ tháng 10/2023, đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt để "bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia".

Ông Lĩnh nói tâm tư của bà con ngư dân Đà Nẵng hiện nay là “không vững tâm vì phải vừa đánh bắt, vừa ngó chừng coi có bị tàu Trung Quốc rượt đuổi hay không, rồi còn phải đi theo đàn cá nữa”.

Ông cũng nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam “luôn rất sẵn lòng hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật, kinh tế”. Còn về mặt an ninh, ông cho biết hội có ký hợp đồng với cảnh sát biển, hải quân để khi có nguy cấp thì có thể bảo vệ hoặc ngư dân thấy gì lạ thì báo cho họ.

“Làm nghề biển vừa phải chịu thiên tai với tần suất ngày một nhiều hơn, thời gian để trở về bờ cũng ngày càng dài hơn. Còn thêm nhân tai nữa, đó là sự xua đuổi của Trung Quốc một cách không thể lường trước được. Có thể thấy hoàn cảnh ngư dân ngày càng trở nên khó khăn hơn.”

“Cuộc sống mưu sinh buộc họ phải ra đi, không dám đi ra xa, ngư trường thu hẹp lại.

Ngư trường đến mùa khai thác thì Trung Quốc tràn xuống, dùng nhiều tàu, móc lưới nhỏ, đèn cực sáng, làm cho tài nguyên cạn kiệt.”

“Ngư dân không yên tâm vì không biết yên lành được bao nhiêu ngày, bao nhiêu năm.

Cảnh sát biển thì khi ngư dân báo thì chuyện cũng đã xảy ra rồi, lực lượng kiểm ngư thì làm sao lúc nào cũng có mặt cạnh ngư dân được”, ông Lĩnh nói thêm.

Về vấn đề này, ông Thắng cho biết Hội nghề cá Việt Nam “đã động viên bà con phải theo tổ đội, có tổ chức, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng như đồn biên phòng…”

“Ngư dân đánh cá thì hiện nay đều theo tổ đội, nghiệp đoàn đánh cá địa phương, trong hội có chủ tàu này kia. Bà con đều đa số không hoạt động đơn lẻ.”

“Khi có tổ chức tổ đội thì phải có ý thức bảo vệ nhau, để đảm bảo an toàn trên biển. Dù đi đánh cá theo tổ đội, nhưng cách nhau hàng chục hải lý nên khi chuyện xảy ra cũng đã xảy ra rồi,” ông Thắng chia sẻ.

Quote card

Nhận diện dân quân biển Trung Quốc

Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng đề cập đến lực lượng dân quân biển rất đông đảo của Trung Quốc qua các câu chuyện được bà con ngư dân về kể lại.

“Lực lượng này đi có chiến dịch. Hết mùa cấm biển thì lao xuống vùng biển Việt Nam rất đông. Bà con ngư dân mình thấy mà sợ luôn, vì họ đi rất là đông, cả trăm, ngàn tàu và càn quét ngư trường của mình rất dữ dội.”

“Việt Nam không có tổ chức đánh cá như Trung Quốc, chẳng hạn có dân quân biển, cảnh sát biển đi kèm. Ngư dân phải tự lo, thường đi đánh bắt thành các tổ đội, cùng ngành nghề, đi gần nhau, có gì báo cho biên phòng, cảnh sát biển để tiếp ứng. Phần lớn bà con đi đông thì an tâm hơn.”

“Đây là điều mà ngư dân rất quan tâm vì Trung Quốc đánh bắt kiểu tận diệt vậy thì còn cá gì cho mình nữa. Tôi không kết luận được ý này có đúng hay không, nhưng theo tôi âm mưu của Trung Quốc còn là triệt tiêu luôn động lực đánh cá, ý chí của ngư dân mình,” ông Lĩnh nhận định.

Ông Lĩnh nói thêm là ông chỉ biết Việt Nam hiện chỉ có lực lượng tự vệ biển.

“Lực lượng này không có trang bị vũ khí gì, theo tôi biết. Do đó, ngư dân khi bị rượt đuổi thì phải thả bớt cá để nhẹ tàu hơn. Còn về dân quân biển Trung Quốc, tôi nghe bà con kể lại là có súng ống đầy đủ trên đó. Bà con cũng không có ảnh gì chụp về dân quân biển Trung Quốc.”

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nói với BBC thêm về lực lượng này nhưng cho biết đây chỉ là câu chuyện từ ngư dân. Từ vai trò hội của ông thì không nhận được thông tin chính thức nào về lực lượng này.

“Bà con cũng phản ánh chuyện đội tàu dân quân trên biển của Trung Quốc. Theo một số thông tin thì ở Trung Quốc từ Quảng Đông, Quảng Tây trở xuống có 10 cảng, có các đội tàu này, lên đến hàng trăm chiếc, có mã lực lớn, chạy tốc độ cao, 16, 18, 20 hải lý/giờ.”

“Đội tàu này gọi là đội tàu xanh, được sơn xanh, chủ yếu dùng để cản trở ngư dân Việt Nam bắt cá tại các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, tôn tạo. Cho đến nay, chúng tôi chưa có thông tin chính thống về đội tàu này, chỉ bà con ngư dân chứng kiến trên biển và kể lại cho các hội thủy sản địa phương.”

“Nhiều trường hợp bà con phải tránh, hiện chưa có khuyến cáo chính thức và bà con báo với nhau tránh mà thôi. Bà con ngư dân cũng kể lại có những tàu dùng ánh sáng rất lớn, không phải đánh bắt cá vì mục đích kinh tế. Họ án ngữ khu vực rộng lớn. Những con tàu này sau vài ngày hiện diện trên vùng biển đó thì khi bà con ngư dân mình đi đến thì không còn cá nữa,” ông cho biết.

Tàu dân quân biển Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh cho thấy tàu của Trung Quốc mà Philippines cho là "dân quân biển Trung Quốc" gần đảo Thị Tứ trên Biển Đông vào ngày 1/12/2023

Dân quân biển Trung Quốc (People's Armed Forces Maritime Militia - PAFMM) từ lâu là một lực lượng giúp Quân đội Nhân dân Trung Quốc thực thi những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Thời điểm lực lượng này được biết đến rộng rãi là từ năm 1950, theo một nghiên cứu năm 2020 từ Rand Corporation.

Trong Hải chiến Hoàng Sa 1974, dân quân biển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Trung Quốc đánh bại Việt Nam Cộng Hòa để chiếm toàn bộ quần đảo này.

Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ năm 2021 chỉ rõ: “Nhờ khoảng cách thuận tiện của các tiền đồn Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, các tàu dân quân thường tham gia cùng lực lượng chấp pháp Trung Quốc để chống lại hoạt động đánh bắt và khai thác hydrocacbon (dầu khí) của các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền tại khu vực nằm trong yêu sách đường chín đoạn mơ hồ của Trung Quốc. Với lực lượng dân quân đóng vai bề ngoài là tàu đánh bắt thương mại, Bắc Kinh có quyền phủ nhận trách nhiệm trong khi sử dụng lực lượng này để gây áp lực lên các quốc gia tranh chấp khác với chi phí thấp.”

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết lực lượng này nằm trong chính sách ‘tằm ăn dâu’ (‘cắt lát salami’) của Trung Quốc.

Giáo Vuving cho rằng lực lượng này phục vụ cho mục đích của Trung Quốc là không có chiến tranh trên Biển Đông mà thay vào đó dần dần thiết lập những thực tế mới.

“Theo tôi nhận định thì cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là không có chiến tranh ở Biển Đông. Vì 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc đi qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam và Trung Quốc hay Philippines và Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.”

“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”

“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.”

Việt Nam cũng có lực lượng dân quân tự vệ biển, thuộc lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam. Lực lượng này được chia thành đại đội, hải đội, tiểu đoàn, hải đoàn.

Quote card

Theo luật pháp Việt Nam thì dân quân tự vệ biển “là lực lượng thuộc dân quân tự vệ nòng cốt được tổ chức ở cấp xã ven biển, xã đảo và cơ quan, tổ chức có phương tiện hoạt động trên biển để làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam”.

Đánh giá về lực lượng dân quân biển Việt Nam, giáo sư Vuving nói:

“Việt Nam cũng nhìn rõ chiến lược đó của Trung Quốc, cũng sử dụng ‘toàn dân đánh giặc’, ‘chiến tranh nhân dân trên biển’, hải quân không bao giờ đi ra tuyến đầu. Ngoài ra, cho ngư dân ra đánh bắt cá, vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền. Đây là phương thức của Việt Nam để tránh đụng độ, sử dụng lực lượng phi quân sự để thực thi chủ quyền. Tóm lại, hai lực lượng quan trọng của Việt Nam là kiểm ngư và ngư dân.”

“Dân quân biển Việt Nam không thể nào so với dân quân biển Trung Quốc về sức mạnh được. Việt Nam đang bảo vệ luật pháp quốc tế và cũng để bảo vệ cho mình, do đó là dân quân biển thì không trang bị vũ khí được, chỉ có vũ khí tự vệ ở mức độ nhất định thôi. Thế nhưng, Trung Quốc thì dân quân biển chỉ là vỏ bọc và được trang bị đầy đủ vì Bắc Kinh đang muốn phá vỡ luật pháp quốc tế để áp đặt luật lệ và ý chí của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc”, chuyên gia về an ninh quốc tế nói với BBC.

Quote card
Chụp lại video, 50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột