Kênh đào Phù Nam Techo: Campuchia quyết tâm làm, Việt Nam phản ứng

Thủ tướng Campuchia Hun Manet và người đồng cấp Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 11/12/2023

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và người đồng cấp Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 11/12/2023

Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói với các phóng viên hôm trong cuộc họp báo hôm 11/4: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo.”

Ông Việt cũng cho hay Việt Nam “đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Động thái của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo Campuchia liên tục phát biểu về dự án kênh đào Phù Nam Techo (tức Funan Techo) trên các kênh chính thống và mạng xã hội, cho thấy quyết tâm của giới cầm quyền Phnom Penh.

Dự án kênh Phù Nam được Campuchia phê duyệt tháng 5/2023, với kinh phí 1,7 tỷ USD, dự kiến được khởi công vào quý bốn năm 2024 và sẽ hoàn thành sau bốn năm.

Tuy nhiên, giới quan sát độc lập vẫn nghi ngờ vào tính chắc chắn của thời điểm khởi công. Mức độ minh bạch thông tin của Campuchia đối với dự án này đến nay cũng được đánh giá là rất hạn chế.

Chụp lại video, Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc

Quyết tâm của Campuchia

Ngày 11/4, phát biểu tại tỉnh Takeo, nơi kênh đào Phù Nam Techo dự kiến đi qua, Thủ tướng Hun Manet bác bỏ các quan ngại về dự án này.

Ông khẳng định đây là "một dự án lịch sử, sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân chúng ta".

Thủ tướng Campuchia cũng bác bỏ các ý kiến cho rằng nước này có thể cho phép Trung Quốc sử dụng kênh đào Phù Nam Techo và căn cứ hải quân Ream vào mục đích quân sự.

Ông Manet nói hiến pháp Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hay ý định vi phạm hiến pháp của chính mình.

“Chúng ta không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia,” ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng thiết kế của kênh đào Phù Nam Techo không phù hợp để tàu chiến lưu thông.

Ông nhấn mạnh kênh này chỉ dành cho tàu chở hàng.

“Chúng tôi không cho phép nước mình bị sử dụng làm căn cứ cho nước khác, chứ đừng nói đến căn cứ quân sự,” ông nói.

Ông cũng nhắc lại kênh đào sẽ được Trung Quốc xây theo phương thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).

Ông nói Campuchia “tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995” và “đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong về dự án”.

Cùng ngày, hôm 11/4, trên Facebook cá nhân, cựu Thủ tướng Hun Sen đã gay gắt phản đối những nhận định về khả năng nước này mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua dự án kênh đào Phù Nam Techo, đồng thời tái khẳng định Việt Nam, Campuchia là "láng giềng tốt".

Hồi tháng 3/2024, cả ông Hun Manet và ông Hun Sen đều lặp lại tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho 1,6 triệu người dân sống dọc công trình.

Trước đó, hồi tháng 12/2023, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông Hun Manet đã xoa dịu lo ngại về kênh Phù Nam Techo khi nói với người đồng cấp Phạm Minh Chính rằng "không có gì bí mật" trong dự án này, đồng thời đảm bảo "sẽ không tác động đến hạ lưu dòng Mekong”.

Việt Nam từng một số lần phản ứng về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo, nhưng chỉ qua các kênh như báo chí, viện nghiên cứu.

Một trong số những phản ứng "không chính thức" đáng chú ý của Việt Nam có thể kể đến bài viết của các tác giả Đình Thiện và Thanh Minh thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông. Trong bài viết, các tác giả nhận định rằng kênh Phù Nam Techo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sâu trong lãnh thổ Campuchia, gần biên giới Việt Nam.

Phát biểu của của Thủ tướng Hun Manet hôm 11/4 được đưa ra là để xoa dịu các quan ngại mà bài viết nói trên đưa ra.

Funam Canal, Cambodia

Quan ngại từ các nhà khoa học

BBC đã nhận được ý kiến từ một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, bày tỏ quan ngại về dự án kênh đào Phù Nam Techo, chủ yếu là tác tác động về môi trường.

Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, mới đây chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng cần phải dừng dự án này cho đến khi có những đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế và môi trường đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông, dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng “không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam”.

Các tác động thật sự sẽ làm giảm dòng chảy từ Campuchia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Campuchia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy, Campuchia, nói rằng trong chuyến thăm của ông Hun Manet đến Việt Nam, Campuchia đã trình bày kết quả của nghiên cứu về kênh đào Phù Nam Techo đến Việt Nam.

Nghiên cứu này không cho thấy tác động về môi trường đối với sông Mekong.

Nếu kết quả nghiên cứu mà phía Việt Nam khác với Campuchia thì điều này có thể khiến Việt Nam thách thức Campuchia liên quan đến dự án này, ông Rim Sokvy nói.

Chia sẻ với BBC News Tiếng Viêt, PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Đại học Cần Thơ, nói rằng Bassac là một dòng tách ra từ sông Mekong và có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong, bao gồm cả phần diện tích trên lãnh thổ của Campuchia và của Việt Nam.

Kênh đào Phù Nam khi được triển khai sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trên sông Bassac, ảnh hưởng rất đáng kế đối với hệ sinh thái tự nhiên vvà sinh kế của cộng đồng địa phương, theo ông Trí.

Ông cũng cho biết hiện tại thông tin kỹ thuật về kênh đào này cũng như đánh giá tác động môi trường của kênh đào còn chưa được công bố rộng rãi, làm hạn chế sự tham gia đánh giá từ cộng đồng khoa học và các bên liên quan khác.

Giáo sư Chung Hoàng Chương, nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong, cũng chia sẻ băn khoăn của mình:

"Sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua đi qua 7 tỉnh, trong đó có An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.

"Câu hỏi của tôi là khi hoàn tất kênh Phù Nam thì bao lâu mới đầy nước để đưa con kênh vào vận hành được. Nước thì phải nhờ đến hai nguồn, một nguồn là từ sông Bassac, nguồn thứ hai là nước mưa."

Theo Giáo sư Chương, trong 7 tỉnh mà con sông Hậu đi qua thì có bốn tỉnh có những thành phố rất lớn, như Châu Đốc, Long Xuyên (thuộc An Giang), Cần Thơ và Sóc Trăng. Dân số tại đó là trên 5 triệu người, tương đương khoảng 25% dân số của Đồng bằng sông Cửu Long.

"Liệu nước suy giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân tại đây?" ông đặt câu hỏi.

Funam

Giáo sư Chương cũng nêu một vấn đề khác, đó là phía bên kia bờ của sông Hậu tiếp giáp với sông Tiền. Sông Tiền và sông Hậu nối với nhau bằng sông Vàm Nao thì dự án Phù Nam Techo sẽ làm thay đổi diện mạo của con sông này như thế nào, nhiều nước hay ít nước hơn chảy xuống.

"Ngoài ra khi làm kênh Phù Nam Techo thì họ sẽ làm hai bên bờ là lối đi bằng xi măng, dài 180 km, lượng cát dùng cho hai bên bờ kênh rất lớn, theo tính toán riêng của tôi. Câu hỏi của tôi là lượng cát đó sẽ lấy ở đâu, vùng nào, có tác động ra sao? Hiện nay tôi chưa thấy ai làm nghiên cứu về vấn đề đó," ông nói.

"Bề ngang của kênh đào là gần 100 m, do đó tàu di chuyển có thể lên đến 3.000 tấn, rồi có làn di chuyển, nếu chỉ dùng để di chuyển thì lượng nước có thể không thay đổi. Tuy nhiên, nếu con kênh này còn được dùng cho mục đích tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền, thì lượng nước sẽ còn cao hơn. Chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích đầy đủ con kênh."

Giáo sư Chương cho rằng cần phải có đối thoại giữa các chuyên gia độc lập từ Việt Nam và cả Campuchia, để nghiên cứu về dự án, đề xuất những thay đổi trước khi tiến hành động thổ.