Svoboda | Graniru | BBC Russia | Golosameriki | Facebook

Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bị tòa tuyên án tử hình

Tòa án nhân dân TP HCM tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và 20 năm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan.

Tóm tắt

  • Phần tuyên án bà Trương Mỹ Lan
  • Vụ bà Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD
  • Giải thích các tội danh bà Trương Mỹ Lan bị truy tố
  • Tranh luận về xác định tội danh

Trực tiếp

  1. Tóm tắt

    Phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong “vụ án Vạn Thịnh Phát” đã khép lại vào chiều 11/4 sau hơn một tháng xét xử.

    Báo chí quốc tế gọi đây là “vụ lừa đảo 12,5 tỷ USD”, là vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam.

    Kết thúc, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ.

    Tổng hợp hình phạt là tử hình.

    Tổng cộng có 86 bị cáo đã bị tuyên án, trong đó có một án tử hình (bà Lan) và bốn án chung thân.

    Bà Trương Mỹ Lan tại tòa

    Nguồn hình ảnh, STR/AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Bà Trương Mỹ Lan tại tòa hôm nay (11/4/2024)
  2. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

    Đối với các bị cáo được tuyên án treo, nếu không bị giam vì tội phạm khác thì trả tự do ngay tại tòa cho các bị cáo.

    1.Phạm Thu Phong, cựu Trưởng ban Kiểm soát SCB: 3 năm tù, hưởng án treo

    2.Lưu Quốc Thắng, cựu Trưởng ban Kiểm soát SCB: 3 năm tù, hưởng án treo

    3.Nguyễn Văn Du, cựu quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước: 3 năm tù, hưởng án treo

  3. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

    Có 16 bị cáo thuộc nhóm tội lợi dụng chức, vụ, quyền hạn bị cáo buộc nhận tiền từ nhóm của bà Trương Mỹ Lan để làm sai chức trách, công vụ.

    Theo đó, số tiền lớn nhất là gần 10 tỉ đồng và thấp nhất 20 triệu đồng, cùng một số quà tặng khác. Hiện các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận được.

    Hội đồng xét xử xác định, đối với khoản tiền nhận trên, nguồn gốc tiền từ SCB nên thu hồi trả lại cho SCB để khắc phục một phần hậu quả trong vụ án.

    Đối với các bị cáo được tuyên án treo, nếu không bị giam vì tội phạm khác thì trả tự do ngay tại tòa cho các bị cáo.

    1. Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước), nhận của bà Trương Mỹ Lan 390.000 USD: 11 năm tù

    2. Nguyễn Thị Phụng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, nhận 20.000 USD, 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách, 1 chiếc khăn: 4 năm tù

    3. Bùi Tuấn Khoa, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nhận 100 triệu đồng: 3 năm tù

    4. Vương Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II nhận 20.000 USD, 2 chiếc áo: 3 năm tù treo

    5. Trần Văn Tuấn, Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ) nhận 6.000 USD, 40 triệu đồng: 3 năm tù

    6. Lê Thanh Hà, Phó chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII nhận 14.000 USD, 100 triệu đồng: 3 năm tù

    7. Nguyễn Văn Thùy, cựu Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận 21.000 USD, 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến: 3 năm tù

    8. Nguyễn Tuấn Anh, cựu công chức Vụ Thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) nhận 100 triệu đồng: 3 năm tù

    9. Vũ Khánh Linh, Phó trưởng phòng Thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần (thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) nhận 100 triệu đồng: 3 năm tù treo

    10. Trương Việt Hưng, thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (thuộc Thanh tra Chính phủ) nhận 6.000 USD: 3 năm tù

    11. Nguyễn Duy Phương, thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp nhận 1.000 USD, 20 triệu đồng: 2 năm tù

    12. Phan Tấn Trung, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận 1,1 tỉ đồng: 7 năm tù

    13. Nguyễn Tín, cựu Phó trưởng phòng Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước nhận 500 triệu đồng: 3 năm tù

    14. Võ Văn Thuần, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận 1,8 tỉ đồng: 7 năm tù

    15. Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận 400 triệu đồng, 15.000 USD: 11 năm tù

    16. Nguyễn Thị Phi Loan, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận 470 triệu đồng: 4 năm tù

  4. Tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

    Các bị cáo được Hội đồng xét xử cho hưởng án treo, nếu không bị giam vì tội danh khác thì được trả tự do ngay tại tòa.

    1. Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT SCB (trốn truy nã, xét xử vắng mặt): 17 năm tù

    2. Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB (trốn truy nã, xử vắng mặt): 17 năm tù, thời hạn tính từ thời điểm bắt bị cáo chấp hành án

    3. Trầm Thích Tồn, Thành viên HĐQT SCB (trốn truy nã, xét xử vắng mặt): 16 năm tù

    4. Đỗ Phú Huy, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Đầu tư SCB: 14 năm tù

    5. Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB: 13 năm tù

    6. Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB: 13 năm tù

    7. Mai Văn Sáu Nhở, cựu Trưởng phòng Tái thẩm định SCB: 12 năm tù

    8. Bùi Đức Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Natural Land: 11 năm tù

    9. Nguyễn Cửu Tính, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB: 11 năm tù

    10. Mai Hồng Chín, cựu Giám đốc Phòng tái thẩm định SCB: 10 năm tù

    11. Diệp Bảo Châu, Phó Tổng Giám đốc SCB: 10 năm tù

    12. Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, Hong Kong), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square: 9 năm tù

    13. Bùi Nhân, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB: 9 năm tù

    14. Từ Văn Tuấn, Phó Giám đốc Khối doanh nghiệp SCB: 8 năm tù

    15. Phạm Văn Phi, Phó Tổng Giám đốc SCB: 8 năm tù

    16. Lê Anh Phương, cựu Giám đốc chi nhánh Sài Gòn SCB: 7 năm tù

    17. Phan Tấn Khôi, Giám đốc chi nhánh Đông Sài Gòn SCB: 7 năm tù

    18. Hồ Bảo Ngọc, Giám đốc vùng 2 SCB: 6 năm tù

    19. Khổng Minh Thế, cựu Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng SCB: 6 năm tù

    20. Nguyễn Phi Long, nhân viên tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 6 năm tù

    21. Hồ Bình Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá MHD: 6 năm tù

    22. Nguyễn Anh Thép, cựu Phó Giám đốc SCB chi nhánh Cống Quỳnh, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn: 6 năm tù

    23. Võ Triệu Lân, Giám đốc chi nhánh Chợ Lớn SCB: 5 năm tù

    24. Lê Khánh Hiền, cựu Tổng Giám đốc SCB: 5 năm tù

    25. Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dầu khí Đông Phương: 5 năm tù

    26. Lê Huy Khánh, Giám đốc Công ty TNHH thẩm định giá Tầm Nhìn Mới: 5 năm tù

    27. Lê Văn Chánh, Giám đốc Khối hỗ trợ kinh doanh SCB: 5 năm tù

    28. Trần Thuận Hòa, Thành viên HĐQT SCB: 4 năm tù

    29. Huỳnh Thiên Văn, Giám đốc kinh doanh khách hàng doanh nghiệp SCB: 4 năm tù

    30. Nguyễn Thị Khánh Vân, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land: 4 năm tù

    31. Trần Thị Kim Chi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land: 4 năm tù

    32. Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc SCB chi nhánh Cống Quỳnh: 4 năm tù

    33. Trần Hoàng Giang, Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng SCB: 3 năm tù

    34. Lương Thị Hồng Quế, Giám đốc Phòng Phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp SCB: 3 năm tù

    35. Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Đông Phương: 3 năm tù

    36. Trần Văn Nhị, Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC: 3 năm tù

    37. Đặng Quang Nguyên, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood: 3 năm tù

    38. Võ Văn Tường, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB: 2 năm tù

    39. Cao Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt: 2 năm tù

    40. Trần Tuấn Hải, nhân viên thẩm định giá Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú: 2 năm tù

    41. Phạm Thế Quảng, cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB: 2 năm tù

    42. Đỗ Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn dịch vụ bất động sản DATC: 3 năm tù, án treo

    43. Lê Kiều Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thẩm định giá EXIM: 3 năm tù, án treo

    44. Bùi Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Phòng tái thẩm định SCB: 3 năm tù, án treo

    45. Trần Thị Kim Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP thẩm định giá Thiên Phú: 3 năm tù, án treo

    46. Lưu Chấn Nguyên, Giám đốc Phòng giao dịch Bảy Hiền SCB: 3 năm tù, án treo

    47. Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB: 3 năm tù, án treo

    48. Nguyễn Huỳnh Lan Chi, cựu Trưởng phòng Tái thẩm định SCB: 3 năm tù, án treo

    49. Nguyễn Thị Phương Loan, Thành viên HĐQT SCB: 3 năm tù, án treo

    50. Võ Thành Hùng, cựu Thành viên HĐQT SCB: 3 năm tù, án treo

    51. Uông Văn Ngọc Ẩn, cựu Tổng Giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT SCB: 3 năm tù, án treo

    52. Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc SCB: 3 năm tù, án treo

    53. Nguyễn Anh Phước, Phó Tổng Giám đốc SCB: 3 năm tù, án treo

  5. Tội tham ô tài sản

    Ngoài bà Trương Mỹ Lan lãnh án tử hình về tội "Tham ô tài sản", một số bị cáo khác cũng bị truy tố tội danh này nhưng lãnh các mức án khác nhau. Cụ thể như sau:

    • Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB: 18 năm tù
    • Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB: 16 năm tù
    • Hồ Bửu Phương, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 20 năm tù
    • Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula: 17 năm tù
    • Đặng Phương Hoài Tâm, Phó trưởng phòng Văn phòng HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: 15 năm tù
    • Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor: 17 năm tù
    • Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt: 11 năm tù

    Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo này là đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan tham ô, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỉ đồng dư nợ gốc.

  6. Tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

    Hội đồng xét xử tuyên:

    • Bị cáo Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB (đang bị truy nã, xét xử vắng mặt): chung thân
    • Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB: chung thân
    • Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB: chung thân
    • Bị cáo Tạ Chiêu Trung, Tổng giám đốc Công ty CP tài chính Việt Vĩnh Phú, cựu Thành viên HĐQT SCB: 20 năm tù

    Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo này đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan tham ô hơn 304.000 tỉ đồng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng.

  7. Bà Trương Mỹ Lan chịu án phí hơn 673 tỷ đồng

    Kết thúc phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội đưa hối lộ.

    Tổng hợp hình phạt đối với bà Lan là tử hình.

    Bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.

    Theo Hội đồng xét xử, hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB, nên cần phải có mức án nghiêm khắc nhất cho bị cáo.

    Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại 673.800 tỉ đồng/1.243 khoản vay, sau khi trừ một số khoản vay đã được tất toán đến ngày 1.4.2024.

  8. Ông Chu Lập Cơ lãnh án 9 năm tù

    Ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, người Hong Kong), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, lãnh án 9 năm tù.

    Ông này bị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

    Ông Chu Lập Cơ là chồng bà Trương Mỹ Lan.

    Ông Chu Lập Cơ trong những ngày bị xét xử tại Tòa án nhân dân TP HCM

    Nguồn hình ảnh, Trung tâm báo chí TP HCM

    Chụp lại hình ảnh, Ông Chu Lập Cơ trong một buổi xét xử tại Tòa án nhân dân TP HCM
  9. Ông Nguyễn Cao Trí bị tuyên án 8 năm tù

    Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng.

    Ông Trí là bị cáo duy nhất trong vụ án bị đưa ra xét xử không liên quan đến sai phạm xảy ra tại SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

    Hội đồng xét xử nhận định tài liệu chứng cứ đủ cơ sở xác định, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, bị cáo Trí đã tìm cách hợp thức hóa các giấy tờ, tự ý thanh lý các hợp đồng với bà Lan để chiếm đoạt của bà này 1.000 tỉ đồng.

    Tại tòa, ông Nguyễn Cao Trí thừa nhận hành vi và vận động gia đình khắc phục tiền mặt hơn 771 tỉ đồng; đưa tài sản vào để đảm bảo khắc phục toàn bộ cho Trương Mỹ Lan.

    Tòa tuyên phạt bị cáo Trí 8 năm tù.

  10. Sung 5,2 triệu USD vào công quỹ

    Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) lãnh án tù chung thân về tội nhận hối lộ, nộp phạt 100 triệu đồng bổ sung ngân sách nhà nước.

    Bà này đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

    Đối với 5,2 triệu USD này, Hội đồng xét xử tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước.

    Bị cáo Đỗ Thị Nhàn là trưởng đoàn thanh tra tại SCB, nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan và SCB để báo cáo không trung thực tình trạng tài chính của SCB.

    Trong quá trình điều tra và tại tòa, bà Nhàn đã thừa nhận hành vi và nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

  11. Bà Trương Huệ Vân lãnh án 17 năm tù

    Bà Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) lãnh 17 năm tù.

    Ông Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB) lãnh án chung thân.

    Bà Đỗ Thị Nhàn (Nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) lãnh án chung thân.

    Ông Nguyễn Văn Hưng (Nguyên Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) lãnh án 11 năm tù.

    Bà Trương Huệ Vân (khẩu trang đen) trong những ngày bị xét xử tại Tòa án nhân dân TP HCM

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Bà Trương Huệ Vân (khẩu trang đen) trong một buổi xét xử tại Tòa án nhân dân TP HCM
  12. Bà Lan sẽ kháng cáo

    Trước khi phán quyết được đưa ra, thành viên gia đình bà Lan chia sẻ với Reuters rằng bà sẽ kháng cáo.

  13. Tác động tới nền kinh tế

    AP News: Quy mô của phiên tòa xét xử bà Lan đã gây sốc cho cả nước. Vạn Thịnh Phát là một trong những công ty bất động sản giàu có nhất của Việt Nam, với các dự án bao gồm các tòa nhà ở cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm mua sắm. Giới phân tích cho biết quy mô của vụ lừa đảo đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác có sai phạm tương tự hay không, từ đó có thể làm giảm triển vọng kinh tế của Việt Nam và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng vào thời điểm mà Việt Nam đang cố gắng định vị mình là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn dời chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

    Lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề: Ước tính có khoảng 1.300 công ty bất động sản rút khỏi thị trường vào năm 2023, các nhà phát triển đã thực hiện chính sách hạ giá và tặng quà khuyến mãi bằng vàng để thu hút người mua, và mặc dù giá cho thuê mặt bằng cửa hiệu đã giảm một phần ba tại TP HCM, thì số mặt bằng cho thuê còn trống tại trung tâm thành phố vẫn rất nhiều.

  14. Không cho bán biệt thự cổ

    Bà Trương Mỹ Lan có rất nhiều tài sản là bất động sản.

    Với căn biệt thự cổ 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM) hiện chưa thu giữ được sổ đỏ, con gái bị cáo Trương Mỹ Lan là Chu Duyệt Phấn xin hủy kê biên.

    Theo tòa, cổ đông công ty sở hữu tòa nhà này thực chất là con cháu của bà Trương Mỹ Lan nên đây là tài sản của bị cáo.

    Do đó, Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo.

    Tài sản này chính quyền chỉ cho trùng tu, không được thay đổi hiện trạng.

  15. Hai chủ tịch, một tổng giám đốc SCB bị tuyên chung thân

    Ba cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB bị toà tuyên chung thân gồm hai cựu Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Văn Thành và ông Bùi Anh Dũng cùng cựu Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn.

    Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, gây thiệt hại hơn 677.000 tỉ đồng, tương đương dư nợ của 1.284 khoản vay. Đáng lẽ các bị cáo bồi hoàn toàn bộ, tuy nhiên, bản chất số tiền thất thoát là do bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng, chỉ đạo sử dung, các bị cáo khác nghe theo chỉ đạo của bị cáo Lan để thực hiện hành vi sai phạm.

    "Thực chất bản chất 1.284 khoản vay này SCB thực hiện không đúng quy định, số hợp đồng vay này là phương thức, thủ đoạn để bị cáo Lan rút tiền SCB sử dụng. Vì vậy, tòa chỉ buộc bị cáo Lan bồi hoàn tiền lãi, toàn bộ dư nợ 1.284 khoản vay được xác định chiếm đoạt, gây thiệt hại 677.000 tỉ đồng cho SCB", chủ tọa nhận định.

  16. Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình

    Tòa tuyên tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và 20 năm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

    Tổng hợp hình phạt tử hình đối với Trương Mỹ Lan.

    Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình
  17. Chuyến thăm bất ngờ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Cũng cần lưu ý rằng, vào cuối tháng 9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ có chuyến thăm và làm việc tại TP HCM.

    Tạp chí Cộng sản cho biết vào ngày 23/9/2022, ông Trọng đã tới làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM.

    Cùng đi có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.

    Chưa đầy hai tuần sau đó thì bà Trương Mỹ Lan bị bắt. Tại tòa, bà Lan khai mình bị bắt vào ngày 6/10/2022.

    Ông Lê Minh Hưng là một trong hai thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn xảy ra sai phạm tại SCB. Thống đốc còn lại là ông Nguyễn Văn Bình.

    Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, ông David Brown, nhận định với BBC rằng phiên tòa Vạn Thịnh Phát là nỗ lực khẳng định lại quyền lực của Đảng Cộng sản đối với lối làm ăn, kinh doanh tự do của miền Nam.

    “Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”

    “Từ trước cho đến năm 2016, Đảng Cộng sản ở Hà Nội gần như đã để cho nhóm mafia gốc Hoa này tung hoành.”

  18. Báo chí bị hạn chế đưa tin

    Đây được xem là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

    Tuy nhiên, trong ngày tuyên án, báo chí do nhà nước quản lý tại Việt Nam đưa tin với mức độ vừa phải.

    Các bài viết trên các tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam không được cập nhật liên tục, theo diễn biến tại phiên tòa, như trong các vụ án khác.

    Việc tác nghiệp của phóng viên tại hiện trường cũng bị hạn chế. Khu vực xét xử bị phá sóng điện thoại.

  19. Tòa đang tuyên án

    Hiện nay, tòa đang tuyên án. Công tác bảo vệ an ninh, trật tự được thắt chặt.

    Theo lập luận của tòa vào sáng nay, bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ phải nhận mức hình phạt "nghiêm khắc nhất".

    Tội danh "Nhận hối lộ" được giữ nguyên, dù trước đó luật sư bào chữa đã có tranh luận rằng áp dụng tội danh này đối với bà Lan là "chưa thỏa đáng".

    Trao đổi với BBC hôm 10/4, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM, chia sẻ thêm về điểm này:

    "Theo tôi hiểu thì phía luật sư của bà Lan cho rằng chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, có quyền hạn. Quyền hạn ở đây là quyền hạn được quy định theo luật hoặc theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo quyết định trao quyền của người có thẩm quyền tại SCB. Trong khi đó, bà Lan không có chức vụ gì, không được giao quản lý tiền tại SCB và thực tế không quản lý tiền của SCB nên không thể truy tố bà Lan tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS 2015 được."

  20. Bị cáo Chu Lập Cơ

    Ông Chu Lập Cơ có một số tình tiết giảm nhẹ.

    Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo có vai trò hạn chế, bởi bị cáo là người nước ngoài, không biết tiếng Việt, phụ thuộc vào vợ là bị cáo Trương Mỹ Lan.

    Bị cáo là doanh nhân Hong Kong đầu tiên tham gia đầu tư việt Nam; bị cáo được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động, được UBND TP HCM tặng nhiều bằng khen do bị cáo tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch Covid-19.

    Ông Chu Lập Cơ là chồng của bà Trương Mỹ Lan. Người thân còn lại của bà Lan là bị cáo Trương Huệ Vân.