50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Lễ 'quốc gia' và một tượng đài dang dở

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tại một lễ khao lề ở Lý Sơn
Chụp lại hình ảnh, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (trái), khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tại một lễ khao lề ở Lý Sơn
  • Tác giả, Bùi Thư
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Ở một góc huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi, một nghi lễ cổ xưa đã được phục dựng để góp phần vào nỗ lực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ở một góc khác, tảng đá đầu tiên của khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa nằm chơ vơ giữa cỏ lau um tùm.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ tế để tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa đã khuất.

Thông tin do Việt Nam công bố cho thấy các Chúa Nguyễn đã cử các đội dân binh ra Hoàng Sa.

Cho tới nay, một số tộc họ trên đảo Lý Sơn vẫn con lưu giữ những bút tích, công lệnh do các đời vua nhà Nguyễn ký, cắt cử đội binh đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ.

Ngư dân Việt Nam từ xa xưa cũng đã có mặt và thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa, theo tài liệu từ phía Việt Nam. Theo Cục Di sản văn hóa, ngay từ khi vào trấn nhậm phía Nam, các Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17.

Vừa trở về từ đảo Lý Sơn, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho BBC hay người dân ở đảo đang tập trung các khâu chuẩn bị để tổ chức làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào dịp tháng Hai hoặc tháng Ba âm lịch năm Giáp Thìn. Khi còn làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Vũ đã dày công nghiên cứu, thúc đẩy và quảng bá cho lễ hội dân gian này.

Việc khôi phục các lễ hội dân gian này là một trong nhiều nỗ lực mà chính quyền trung ương và các địa phương đã thực hiện trong thời gian qua nhằm chứng minh Việt Nam đã là chủ nhân của Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước, và rằng việc thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam đối với vùng lãnh thổ này qua các thời kỳ là thường xuyên, liên tục và chưa bao giờ từ bỏ.

Có thể thấy là các tài liệu từ thời Chúa Nguyễn rồi đến Nhà Nguyễn, sau đó là thời Pháp thuộc, được chính quyền hiện tại thu thập và công bố liên tục.

Tuy nhiên, có một thời đoạn trong lịch sử mà chính quyền Việt Nam hiện tại hạn chế nhắc đến khi khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đó là thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Cũng trên hòn đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý, khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được khởi công xây dựng từ năm 2016 nhưng vẫn "đắp chiếu" đến bay giờ. Tám năm đã trôi qua, công trình được cho là có giá trị 70 tỷ đồng không có gì ngoài viên đá đầu tiên đã bạc theo thời gian, nằm trơ trọi giữa um tùm cỏ lau.

Chụp lại video, 50 Hải chiến Hoàng Sa: Con gái tử sĩ VNCH nói gì

Lễ khao lề thế lính 'tầm quốc gia'

Theo báo Lao Động, Cơ quan của Tổng Liên đoàn Việt Nam, năm 2024, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tổ chức ở quy mô tầm quốc gia nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ kể rằng khi bắt đầu nghiên cứu ông đã choáng ngợp trước những di sản văn hóa biển đảo trên Lý Sơn và gọi đó là "bảo tàng hết sức sống động về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo". Trong đó, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa mang đậm nét tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, văn học lẫn tri thức bản địa.

"Theo tôi, cái mục đích tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thì cũng là một dịp ôn lại lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo và thêm một lần các thế hệ con cháu sau này hiểu được công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền riêng quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc thực hiện lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cũng là một dịp để khơi dậy tình yêu đất nước, tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo của các tầng lớp nhân dân. Có lẽ điều đó cũng giúp cho thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại Biển Đông," cựu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nói với BBC.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
Chụp lại hình ảnh, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

“Khao lề” nghĩa là lệ khao định kỳ hằng năm, còn “thế lính” ý chỉ nghi lễ tế sống, là nghi lễ mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với cái chết.

Theo tài liệu mà phía Việt Nam công bố, hàng trăm năm trước, khi các binh phu ra Hoàng Sa để thực hiện sứ mệnh thì họ đều đối mặt với nhiều gian nguy trùng trùng, đầy bất trắc khi lênh đến trên biển với chiếc thuyền nhỏ trong tầm 5-6 tháng trời.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ giải thích cho BBC qua điện thoại:

"Lễ khao lề thế lính của Hoàng Sa là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng đã có lâu đời trên đảo Lý Sơn cũng như nhiều nơi khác dọc tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình điền dã nhiều năm, tôi phát hiện ra là không chỉ có Lý Sơn mà cả Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cũng có những tộc họ làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

"Theo kí ức của những người lớn tuổi ở Lý Sơn, nơi nào từng có binh phu đi Hoàng Sa thì nơi đó đều có tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa."

Các hình nhân thế mạng và các thẻ bài ghi tên người lính hy sinh khi đi Hoàng Sa được người dân Lý Sơn thờ ở miếu "Chiến sĩ trận vong"
Chụp lại hình ảnh, Các hình nhân thế mạng và các thẻ bài ghi tên người lính hy sinh khi đi Hoàng Sa được người dân Lý Sơn thờ ở miếu "Chiến sĩ trận vong"

Theo ông Vũ, khi đội quân xuất bến đi Hoàng Sa thì người ta sẽ làm lễ ở ngay chỗ đình làng để tiễn. Tuy nhiên, sau đó, lễ thức này thường chủ yếu gắn liền với các dòng họ là chính như họ Võ Văn hoặc Phạm Quang, Phạm Văn, đều ở làng An Vĩnh.

Từ năm 2005, lễ thức này được thực hiện có quy mô hơn tại Âm Linh Tự. Đến năm 2010, người dân tổ chức lễ với tầm vóc lớn hơn trước đó nhiều tại đình An Vĩnh, đình An Hải.

Đến tháng 4/2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Còn đình làng An Vĩnh được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Theo diễn giải của chính quyền, lễ hội này góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tưởng nhớ công ơn của những bậc tiền nhân từng ra khơi mở cõi, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền biển đảo cũng như những người lính đã bảo vệ nơi đây.

Lễ khao lề thế lính
Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh một lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Tảng đá giữa bãi cỏ lau

Lý Sơn là một trong những điểm gần nhất với quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Nơi đây có nhiều ngư dân xưa nay vẫn coi vùng biển quanh Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của mình, cho dù những năm gần đây bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí bắt giữ và đánh đập.

Trong khi lễ khao lề thế lính được nối truyền, tổ chức rầm rộ và được xếp vào Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì cũng ở Lý Sơn, khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa lại điêu tàn, chỉ trơ trọi một viên đá giữa triền núi trong suốt tám năm từ ngày khởi công vào 17/1/2016.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư công trình này. Theo kế hoạch ban đầu, trung tâm của khu tượng đài có diện tích 2ha này là tượng đài Người mẹ thắp lửa cao 16m do kiến trúc sư Trần Văn Dũng thiết kế, mô tả người phụ nữ Việt Nam đứng trên bờ biển thắp đèn mù u ngóng vọng chồng con trở về.

Buổi lễ đặt viên đá khởi công hồi năm 2016 có sự tham gia của thân nhân các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh
Chụp lại hình ảnh, Bà quả phụ Ngô Thị Kim Thanh, vợ cố Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí - Hạm phó tàu HQ-10 của VNCH, nhận lọ cát từ tay ông Võ Văn Út-hậu duệ của cai đội Hùng binh Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở đảo Lý Sơn trong buổi lễ khởi công khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa 17/1/2016

Thời điểm đó (năm 2016), báo Tiền Phong viết rằng khu tưởng niệm là nơi để người dân cả nước đến để ngưỡng vọng, tưởng nhớ những thế hệ đã nằm lại với Hoàng Sa, trong đó có "74 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền trong cuộc hải chiến 42 năm về trước".

Tám năm đã trôi qua, dự án này vẫn chưa tiến triển gì và tất cả những gì người ta có thể thấy khi đến đây là viên đá đầu tiên nằm giữa một bãi cỏ lau um tùm. Trong khi đó, một công trình khác cũng do Tổng Liên đoàn Lao động chủ trì là Khu Tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh đã hoàn thành vào năm 2017, chỉ sau hai năm khởi công.

Trước đó, thời điểm năm 2015, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam trả lời báo Thanh Niên, nói rằng sẽ "không đưa danh sách 74 người lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã ngã xuống ở Hoàng Sa vào khu tưởng niệm".

Một số ý kiến cho rằng, vì khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa bao gồm cả lực lượng VNCH, những người đã tử trận trong cuộc hải chiến năm 1974 với Trung Quốc, nên chính quyền hiện thời vẫn còn e ngại và nghi kị. Còn tượng đài Gạc Ma là người "phe mình" - tức là Quân đội Nhân dân Việt Nam - nên "phía trên gật đầu chịu ngay".

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - tức thời điểm khởi công xây dựng khu tượng đài ở Lý Sơn đã lên tiếng xin lỗi trên Facebook cá nhân nhân kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa.

Theo đó, ông viết rằng “đáng lẽ tôi phải thực hiện cho được lời hứa trước hàng triệu nhân dân yêu nước đã đóng góp tiền của kiếm được rất khó khăn của mình cho việc xây dựng “2 khu tưởng niệm”. Nhưng đến ngày hôm nay sau 8 năm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng “ khu tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa” vẫn chưa được thực hiện.”

Ông Tùng nói thêm ông đã “nhiều lần kiến nghị cùng các anh Lãnh đạo TLĐ đương chức là phải tiếp tục thực hiện thì các anh trả lời “ chúng em đang xúc tiến làm” nhưng lúc nao xong thì chưa biết.”

Viên đá đầu tiên của Khu tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Lý Sơn, cỏ mọc um tùm và có dấu hiệu xuống cấp vào năm 2023
Chụp lại hình ảnh, Viên đá đầu tiên của Khu tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Lý Sơn, cỏ mọc um tùm và có dấu hiệu xuống cấp vào năm 2023

Một người dân ở Lý Sơn xác nhận với BBC rằng năm 2024, tình trạng xây dựng tượng đài vẫn dang dở và cỏ lau đã mọc cao hơn quanh viên gạch đầu tiên.

So sánh sự khác biệt về tiến độ xây dựng hai tượng đài, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết: "Trong mắt những người nắm quyền hiện tại, tưởng niệm và vinh danh những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận ở Hoàng Sa sẽ gián tiếp thừa nhận chính thể này cũng yêu nước và không ngần ngại chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước - điều không hợp với tuyên truyền lâu nay của 'bên thắng cuộc' về một chế độ mà họ coi 'ngụy quyền'."

Hôm 20/1, tuy không chính thức tổ chức kỷ niệm nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về Hoàng Sa qua lời người phát ngôn Phạm Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao

"Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.

Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ giữa các quốc gia là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam".

Tuy nhiên, có thể thấy rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam dù lên tiếng phản đối Trung Quốc nhưng vẫn không nhắc tới việc Hoàng Sa vào thời điểm đó thuộc quyền kiểm soát của VNCH hay việc 74 hải quân VNCH đã hy sinh trong cuộc hải chiến với Trung Quốc.

Tính đến nay, dường như chỉ có cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người nhắc đến cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 một cách thẳng thắn nhất khi còn đương chức.

Cụ thể, ngày 25/11/2011, phát biểu trước Quốc hội, ông Dũng đã nói “Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp”.

Từ sau thời ông Dũng, chính quyền Việt Nam hiện tại kiêng kị và e dè hơn trong việc nhắc đến cuộc Hải chiến Hoàng Sa 1974 cũng như những sự kiện có khả năng đả động đến VNCH.

Theo Tiến sĩ Vũ, người Việt Nam nói chung hay người ở Lý Sơn nói riêng "đều ý thức về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của các bậc tiền nhân và nhớ muôn đời rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần thiêng liêng, một phần đất đai không thể chia cắt của Tổ quốc Việt Nam".

"Do vậy, cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đó thì theo tôi, người dân Lý Sơn vẫn xem là một phần lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bằng chứng là trong những các tế lễ, đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, người Lý Sơn vẫn còn khấn tế các vị cai đội, các vị chánh đội trưởng thủy quân xuất đội mà họ biết tên cùng những chiến sĩ trận vong, vốn được gọi là những nghĩa sĩ của Hoàng Sa, tôi nghĩ nó đã hàm chứa trong đó cả rồi," ông Vũ lý giải.

Hoàng Sa trong ký ức cộng đồng

Chụp lại video, 50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Hải chiến Hoàng Sa 1974, sự kiện mà Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa.

Trong cuộc giao tranh chỉ kéo dài hơn 30 phút ấy, 74 lính hải quân VNCH đã tử trận và quyền kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Nhưng dù vậy, trong tâm khảm nhiều người dân biển, Hoàng Sa vẫn luôn là ngư trường truyền thống của họ từ nhiều thế kỷ.

Về vấn đề chủ quyền biển đảo, ông Vũ cho hay có nhiều tài liệu Hán Nôm chứng minh được rằng Việt Nam đã có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Chúa Nguyễn, với nhiều thế kỷ liên tục ra khơi thực thi chủ quyền và "đó là một quá trình xuyên suốt".

Ông Vũ dẫn chứng bằng câu chuyện các bô lão và bà con làng An Vĩnh đồng thuận bán ba thửa đất để làm lộ phí cho đội Hoàng Sa thực hiện lệnh của vua Gia Long vào năm 1816 để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

"Chính vì lẽ đó, họ cố gắng tự phục dựng các lễ thức văn hóa tín ngưỡng như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vì không ai làm thay họ được. Bởi lẽ chính họ là người sáng tạo lễ thức văn hóa tín ngưỡng này nên phải giữ gìn, trao truyền cho các thế hệ con cháu của họ sau này," ông Vũ nói thêm.

Lễ bàn giao một số tài liệu lịch sử liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của tỉnh Quảng Ngãi
Chụp lại hình ảnh, Một số tài liệu lịch sử liên quan đến quần đảo Hoàng Sa do gia đình họ Đặng cất giữ, được tỉnh Quảng Ngãi bàn giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam vào tháng 4/2009

Nay đã về hưu nhưng ông Nguyễn Đăng Vũ vẫn tiếp tục công cuộc nghiên cứu, ra Lý Sơn để tìm để các nhà họ, tộc họ, các dinh miếu, gặp gỡ các bô lão để ghi chép và xuất bản các công trình về văn hóa dân gian biển đảo.

Ông Vũ cho hay hiện đã thu thập chụp được khoảng 3.000 trang tư liệu Hán Nôm trên Lý Sơn. Trong đó có một ít tài liệu liên quan đến việc các binh phu đi xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

"Tài liệu về các cai đội, cai đình như ông Võ Văn Khiết hay Võ Văn Phú, ông Phạm Quang Ảnh giúp củng cố chủ quyền của ta. Hay tài liệu về các hương chức, bô lão và bà con các tộc ở An Vĩnh, vào năm Gia Long thứ 15, đã đồng thuận bán ba thửa đất để lấy tiền cho đội Hoàng Sa làm lộ phí đến kinh thành Huế nhận lệnh của vua Gia Long đi đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa."

Ông Vũ cho hay tới nay thì tài liệu liên quan tới thời VNCH vẫn chưa thấy còn lưu trữ ở các dòng họ trên đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng: "Tất cả những tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo thì đều quý hiếm cả, không nên bỏ sót dù là thời kỳ nào."