Tết Âm lịch: Người Bắc và Nam Hàn sum họp ở ngoại ô London

Mọi người cùng nhau ăn uống trong dịp Tết Nguyên đán

Nguồn hình ảnh, JE SEUNG LEE/BBC

Chụp lại hình ảnh, Mọi người cùng nhau ăn uống trong dịp Tết Nguyên đán
  • Tác giả, Je Seung Lee
  • Vai trò, BBC News

Giữa lúc hàng triệu người khắp thế giới chào đón Tết Nguyên đán, những lễ ăn mừng ở ngoại ô London đang kéo những người Bắc và Nam Hàn xích lại gần nhau.

Tuy vậy, đối với bà Min Jung Park (không phải tên thật) - và những người Bắc Hàn không thể trở về quê hương, thời điểm ăn mừng này lại là một lời nhắc về những người thân mà họ đã bỏ lại quê nhà.

Bà Park, một người Bắc Hàn đào tẩu, cho biết quyết định ra đi của bà không phải là hành động phản đối chế độ mà do bà đã không thể tiếp tục chịu được cảnh đói khát.

Sau khi đến Anh vào năm 2007, bà định cư tại khu New Malden ở phía tây nam London – nơi được cho là có mật độ người Triều Tiên cao nhất ở châu u.

Bà nói: "Khi ăn thức ăn truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi lại bật khóc vì nhớ anh chị em mình ở Bắc Hàn. Tôi nghĩ sẽ tuyệt vời biết bao nếu cha mẹ tôi còn sống để thưởng thức những món ngon mà chúng tôi được ăn ở đây [ở Anh]."

Bắc Hàn hiện đang bị thiếu hụt lương thực trầm trọng và bà Park cho biết điều đó có nghĩa là bà đã không thể đãi cha mẹ một bữa ăn thịnh soạn.

Bà nói: "Tôi dặn con tôi ở đây [ở Anh] là phải hiếu thảo với cha mẹ vì hồi còn ở Bắc Hàn thậm chí tôi còn không thể chu cấp cho cha mẹ mình dù có muốn làm điều đó.”

Việc đoàn tụ gia đình để nhớ về tổ tiên, cùng nhau ăn uống và chơi trò chơi truyền thống là một phần quan trọng trong lễ mừng Tết Nguyên đán, còn được gọi là Seollal trong tiếng Triều Tiên.

Bà Yi Young Choi cho biết mỗi dịp Tết Nguyên đán bà lại băn khoăn liệu anh chị em mình còn sống hay không.

Nguồn hình ảnh, JE SEUNG LEE/BBC

Chụp lại hình ảnh, Bà Yi Young Choi cho biết mỗi dịp Tết Nguyên đán bà lại băn khoăn liệu anh chị em mình còn sống hay không

Bà Yi Young Choi là một người đào tẩu Bắc Hàn khác đang sống ở New Malden với chồng và cháu gái.

Bà cho biết mình thường xuyên nghĩ về anh chị em ở Bắc Hàn, đặc biệt mỗi dịp Tết Nguyên đán khi nỗi nhớ càng trở nên mạnh mẽ.

"Trong dịp Tết, mọi người sẽ ăn những món mà bình thường không hay ăn,”bà nói.

"Những dịp đặc biệt thế này luôn khiến tôi nghĩ về gia đình mình ở Bắc Hàn. Tôi cảm thấy có lỗi vì được ăn quá ngon [ở đây]."

Mắt của bà Choi ngấn lệ khi kể về cuộc sống của mình ở Bắc Hàn.

"Tôi tự hỏi anh chị em mình đang làm gì lúc này? Và rồi tôi thậm chí tự hỏi, liệu họ có còn sống hay không?" bà tâm sự.

'Tất cả đều là người Triều Tiên'

Tteokguk là món canh thường được ăn trong dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc.

Nguồn hình ảnh, JE SEUNG LEE/BBC

Chụp lại hình ảnh, Tteokguk là món canh thường được ăn trong dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc

Dù cùng tồn tại nhiều năm trong cùng một khu vực ở London, cộng đồng hai miền Nam Bắc hiếm khi hòa nhập trong các không gian thân mật.

Ông Hyunsu Yim là chủ tịch Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc New Malden - nơi tổ chức sự kiện Tết Nguyên đán giúp đoàn kết hai cộng đồng.

Ông nhấn mạnh tới sức mạnh của văn hóa trong việc xóa bỏ các ngăn ngăn cách.

"Việc chia sẻ ngôn ngữ và truyền thống chung, như Tết Nguyên đán, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn,” ông nói.

"Tại trung tâm văn hóa của chúng tôi, tất cả đều là người Triều Tiên."

Cả người Bắc và Nam Hàn đều tham gia biểu diễn trong lễ mừng Tết Nguyên đán.

Nguồn hình ảnh, JE SEUNG LEE/BBC

Chụp lại hình ảnh, Cả người Bắc và Nam Hàn đều tham gia biểu diễn trong lễ mừng Tết Nguyên đán

Bà Jung Hee Lee là người đứng đầu Hiệp hội cư dân Bắc Hàn ở Anh và là người đồng tổ chức sự kiện này với ông Yim.

Đối với bà Lee, quê hương mới New Malden không chỉ là nơi trú thân và nơi cho bà một cơ hội sống tốt hơn mà còn giúp bà tìm được một gia đình mới.

Bà nói: "Khi người Bắc Hàn chạy trốn, họ thường phải bỏ lại anh chị em của mình.”

"Rất nhiều người Bắc Hàn lớn tuổi ở New Malden cô đơn do con cái họ đều đã lớn và rời khỏi nhà. Chính hoàn cảnh tương đồng đó đã gắn bó chúng tôi lại với nhau.”

"Chúng tôi như thể anh chị em."