Giá vàng leo thang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những động thái gì?

Cửa hàng vàng Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Giá vàng trong nước có thời điểm lập kỷ lục với giá bán ra ở mức 85,52 triệu đồng/lượng

Để đối phó với tình trạng tăng nhanh không ngừng của giá vàng trong nước trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã đưa ra các giải pháp can thiệp. Cùng lúc đó, giá vàng miếng trong phiên ngày 15/4 đã có thời điểm vọt lên lập kỷ lục giá bán ra ở mức 85,52 triệu đồng/lượng.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành đã hoàn tất việc thành lập đoàn thanh tra. Hoạt động thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng được tiến hành trong tháng 4/2024.

Trong một diễn biến liên quan, theo báo chí Việt Nam đưa tin vào sáng 16/4, hàng loạt cửa tiệm vàng tại TP HCM thông báo đóng cửa dài ngày do lo sợ bị phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường.

Hiện tượng này xảy ra khoảng một tuần sau khi Cục Quản lý thị trường TP HCM chỉ đạo kiểm tra, rà soát các tiệm vàng trên địa bàn thành phố.

Cục Quản lý thị trường TP HCM trước đó cho biết khi tiến hành kiểm tra đột xuất ngày 9/4, cục này đã phát hiện hàng loạt sai phạm như “bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa”.

Chỉ là giải pháp tình thế

Tiệm vàng Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Giá vàng nội địa biến động mạnh gây ra sự bất ổn cho thị trường tài chính và tâm lý xã hội

Chính phủ Việt Nam khẳng định giá vàng nội địa biến động mạnh gây ra sự bất ổn cho thị trường tài chính, tiền tệ cũng như tâm lý xã hội.

Nhằm ổn định thị trường vàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay đã chuẩn bị trước các phương án can thiệp, bên cạnh việc thanh tra, rà soát thị trường đang diễn ra.

Đặc biệt, NHNN sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới đối với thị trường vàng miếng.

Sự chênh lệch được cho là nảy sinh bởi tình trạng độc quyền vàng khiến nguồn cung vàng ra thị trường bị thiếu hụt.

Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu doanh nghiệp tiến hành sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch cũng như tính hiệu quả trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Cổng Thông điện tử Chính phủ cho biết thủ tướng đã yêu cầu xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, đầu cơ, trục lợi hay lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá làm mất sự an toàn của thị trường vàng.

Sáng 16/4, NHNN cho biết khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng SJC đã được hoàn tất nhằm tăng nguồn cung vàng cho thị trường. Lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN quay trở lại với hoạt động này.

Lần nhất việc đấu thầu diễn ra là vào năm 2013. NHNN thời điểm đó đã tiến hành 76 phiên đấu thầu vàng miếng, với kết quả là hàng chục doanh nghiệp mua được trên 1,8 triệu lượng.

Trả lời báo giới, ông Phạm Thanh Hà cho biết việc tăng cung vàng miếng cho thị trường góp phần giảm sự chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và trong nước.

Sau khi những thông tin ban đầu về việc đấu thầu vàng được đưa ra, giá vàng SJC trong phiên sáng 16/4 đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến 3h chiều ngày 16/4, giá vàng 9999 của SJC được bán ra ở mức 83,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 600.000 đồng so với thời điểm kết thúc phiên ngày 15/4.

Trong cùng thời điểm, giá vàng thế giới dừng ở mức tương đương khoảng 73 triệu đồng/lượng.

Vàng ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp ngắn hạn

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tình thế.

“Theo tôi hiểu, động thái đấu thầu vàng miếng SJC của NHNN là để can thiệp xử lý 'ngay và luôn' chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao theo chỉ đạo của Thủ tướng. 'Ngay và luôn' tức chỉ mang tính tức thời để giải tỏa phần nào áp lực của thị trường. Về lâu dài, dứt khoát đó không phải là một chính sách tốt, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết như chỉ đạo của Thủ tướng khi thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng," báo Người Lao Động dẫn lời nhận định của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ từ Trường Đại học Kinh tế TP HCM.

"Cung phải chạy theo cầu vàng để đạt trạng thái cân bằng hoặc chí ít thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới ở mức khả dĩ. Thế mà cho đến giờ, chúng ta chưa có bất kỳ dữ liệu đáng tin cậy nào về nhu cầu vàng. Điều mà đáng lý phải đến từ nghiên cứu của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các tổ chức luôn kêu gọi nhà nước phải can thiệp vào thị trường vàng. Thế thì nguồn cung vàng đến từ NHNN bao nhiêu là đủ cho nhu cầu?" ông Thơ đặt vấn đề.

"Việc đấu thầu vàng không phải là biện pháp căn bản để xử lý giá vàng chênh giữa SJC và các thương hiệu vàng khác. Biện pháp căn cơ nhất là vấn đề thương mại, phải cho phép một số doanh nghiệp được xuất nhập khẩu bình thường và dùng công cụ thuế, hải quan điện tử để kiểm soát và quản lý thị trường vàng," chuyên trang Doanh nghiệp & Kinh doanh trích lời kiến nghị của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.

Vấn đề cấp bách

Cửa tiệm vàng Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ổn định thị trường vàng là một vấn đề cấp bách đối với Việt Nam

Tờ South China Morning Post (SCMP) đánh giá việc ổn định thị trường vàng là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ Việt Nam khi những kẻ buôn lậu lợi dụng giá trong nước cao hơn để nhập lậu vàng vào Việt Nam, dẫn đến biến động tỷ giá và làm suy yếu tiền đồng, gây tổn hại cho nền kinh tế.

Giá vàng Việt Nam leo thang có thể là nguyên nhân khiến buôn lậu vàng vào nước này được cho là đang diễn ra mất kiểm soát.

Điển hình của tình trạng này là vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng trị giá khoảng 8.400 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam của một đường dây do hai phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu.

Việc gia tăng buôn lậu vàng có nguyên nhân từ việc thiếu vàng từ các kênh chính thống trong nước và nhu cầu có một nguồn đầu tư, tích trữ an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng này gây áp lực lên tiền đồng do những kẻ buôn lậu cần mua USD tại chợ đen để mua vàng, gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.