Diễn viên Đào, phở và piano người Mozambique: Muốn làm rể Việt Nam, mến Đảng Cộng sản

Đến Việt Nam du học, Oraiden không ngờ có ngày mình sẽ nổi tiếng

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Đến Việt Nam du học, Oraiden không ngờ có ngày mình sẽ nổi tiếng

Được chú ý sau khi đóng phim Đào, phở và piano, du học sinh người Mozambique tại Đại học Bách khoa Hà Nội Oraiden Manuel Sabonete chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về hành trình đến Việt Nam, chuyện tình yêu, ước mơ cho quê hương và quan điểm về Đảng Cộng sản.

“Nổi tiếng sau một đêm” là cách Oraiden Manuel Sabonete mô tả cuộc sống của mình sau khi tham gia đóng trong phim Đào, phở và piano. Trong mấy ngày qua, Oraiden, hay Minh Đức như tên mà thầy cô, bạn bè đặt cho cậu, tới tấp nhận được yêu cầu kết bạn trên Facebook và lời mời phỏng vấn báo chí.

“Đi học lúc nào các bạn cũng gọi 'Đức đen, Đức đen, Đào, phở và piano'... Em nhận ra: Trời ơi, bây giờ là nổi tiếng rồi! Từ châu Phi xa xôi sang Việt Nam, không biết là sẽ nổi tiếng như thế này”, chàng trai Mozambique phấn khích chia sẻ với BBC News Tiếng Việt trong cuộc đàm thoại bằng video, với chất giọng Bắc.

Nhưng Oraiden biết danh tiếng nhất thời đến nhanh và cũng qua nhanh. “Em chỉ nổi tiếng trong hai ngày thôi, sau đó chắc không có gì đặc biệt đâu,” cậu bình thản.

Tuy vậy, với chàng trai sinh năm 2000, đây không chỉ là cơ hội cho bản thân mà còn là dịp để cái tên Mozambique được biết đến nhiều hơn.

Du học bằng học bổng chính phủ toàn phần do Việt Nam cấp, Oraiden hy vọng có thể mang những kiến thức học được về giúp xây dựng quê hương còn nghèo khó.

Giấc mơ thành hiện thực

Oraiden hòa nhập tốt với bạn bè người Việt, cậu coi họ là chỗ dựa mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Oraiden hòa nhập tốt với bạn bè người Việt, cậu coi họ là chỗ dựa mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và cuộc sống

Nhân duyên với Việt Nam của Oraiden bắt đầu từ năm lớp 8 trong chương trình học về lịch sử thế giới. Trong suy nghĩ của cậu, Việt Nam, đất nước đã trải qua nhiều khó khăn và chiến tranh, là một “tấm gương” cho Mozambique.

“Việt Nam là nước đang phát triển, nên em muốn học hỏi để biết họ đang sử dụng những kiến thức của họ như thế nào, để xem có thể áp dụng được gì ở Mozambique”.

Vậy nên khi được chọn là một trong 10 sinh viên được cấp học bổng đến Việt Nam du học, giấc mơ của Oraiden đã thành hiện thực.

Chia sẻ với BBC, cậu giải thích mình chọn theo học ngành kỹ thuật điện của Đại học Bách Khoa Hà Nội vì đây là "ngôi trường top ở Việt Nam về kỹ thuật”.

Oraiden khoe, hồi còn ở quê nhà, cậu từng là học sinh xuất sắc thời phổ thông, làm lớp trưởng nhiều năm và đã trúng tuyển ngành kỹ thuật máy tính tại Đại học Lurio, một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu Mozambique.

Tuy nhiên, quá trình học ở Việt Nam của Oraiden không dễ dàng như cậu tưởng tượng.

Sau khi học tiếng Việt một năm ở Đại học Sư phạm Thái Nguyên, năm 2021, Oraiden xuống Hà Nội, bắt đầu chương trình đại học.

“Ban đầu em nghĩ sang Bách khoa sẽ học lại những môn em đã học ở Mozambique thôi, nhưng sang rồi thì trời ơi, gặp nhiều khó khăn đấy… Em không biết ‘trừ’, ‘cộng’, ‘chia’, ‘nhân’ là gì, ‘hàm số’, ‘đạo hàm’ là gì,” chàng sinh viên năm tư thú thật.

Oraiden kể đã phải học lại một số môn đại cương và chuyên ngành. “Rất nhiều bạn cũng trượt môn, phải học lại, nhưng nếu họ dành thời gian một thì em sẽ phải dành thời gian gấp bốn lần, năm lần.” Nhưng cậu coi đó là một phần đáng nhớ trong trải nghiệm Việt Nam của mình.

Khi được hỏi về tài chính, Oraiden chia sẻ cậu được đài thọ toàn bộ chi phí học tập và ký túc xá, ngoài ra còn được nhận 150 USD (khoảng 3,6 triệu đồng VN) mỗi tháng tiền sinh hoạt. Nhưng để trang trải cho cuộc sống “rất là đắt” ở Hà Nội, cậu đã đi làm thêm một số công việc, chủ yếu là dạy tiếng Anh.

Xe máy là phương tiện ưa thích của Oraiden ở Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Xe máy là phương tiện ưa thích của Oraiden ở Việt Nam

Đã có bạn gái Việt Nam, muốn cưới

Tết vừa qua, Oraiden không ở Hà Nội mà vào Sài Gòn ăn Tết với gia đình bạn gái. Cậu tự hào khoe đã có bạn gái người Việt Nam được hơn một năm.

“Em với người yêu gặp nhau khi em đi dạy tiếng Anh, còn bạn ấy là trợ lý. Lúc đầu nói chuyện không biết sẽ là của nhau. Rồi từ từ thích nhau, tán tỉnh nhau và bắt đầu yêu nhau,” cậu thổ lộ.

Mặc dù vậy, cũng đã từng có những e dè. “Ban đầu em rất sợ gia đình người yêu sẽ không chấp nhận… Có rất nhiều con trai đẹp trai, thành công ở Hà Nội, sao phải chọn người châu Phi… Nhưng rất may mắn, gia đình người yêu của em rất cởi mở, khi gặp họ, em cảm thấy đây là nhà thứ hai rồi.”

Oraiden kể thời gian rảnh, hai người thường đi cà phê và dạo phố bằng xe máy, có khi bạn gái sang nấu ăn cho cậu. Món Việt yêu thích của cậu là phở gà, bún bò Huế và nhất là cơm rang.

Khi được hỏi về ý định nghiêm túc, Oraiden không do dự nói muốn kết hôn với bạn gái hiện tại.

Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào dự định tương lai của cậu. Trở thành công dân Việt Nam không phải là một trong số đó.

Khát vọng Mozambique

Chimoio, nơi Oraiden sinh ra, là thành phố lớn thứ năm ở Mozambique với dân số khoảng trên 400.000 người. Nằm cách thủ đô Maputo 1.100 km về phía bắc và cách biên giới Zimbabwe chưa đầy 100 km, Chimoio là mắt xích thương mại, vận tải quan trọng của Mozambique.

Nguồn hình ảnh, Mwangi Kinyua/Own work/CC BY-SA 4.0

Chụp lại hình ảnh, Chimoio, nơi Oraiden sinh ra, là thành phố lớn thứ năm ở Mozambique với dân số khoảng trên 400.000 người. Nằm cách thủ đô Maputo 1.100 km về phía bắc và cách biên giới Zimbabwe chưa đầy 100 km, Chimoio là mắt xích thương mại, vận tải quan trọng của Mozambique.

Nằm ở miền đông nam châu Phi, Mozambique có GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương năm 2023 ước đạt 1.584 USD, bằng 1/9 Việt Nam (14.285 USD vào năm 2023), tuổi thọ trung bình toàn dân chỉ 57,7 tuổi.

Mặc dù dồi dào tài nguyên và từng có giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, nhưng xung đột liên miên, tham nhũng và thiên tai vẫn kìm chân Mozambique trong nhóm những nước nghèo nhất châu Phi.

Vậy nên việc Oraiden sang Việt Nam du học đã được coi là chuyện đáng tự hào của gia đình và khiến cậu trở thành thần tượng trong mắt bạn bè.

Oraiden sinh ra tại thành phố Chimoio, thủ phủ tỉnh Manica ở miền trung Mozambique, có cha là kỹ sư mỏ, mẹ là y tá. Nhưng cha mẹ cậu ly hôn không lâu sau khi sinh cậu, hai người đều đi thêm bước nữa và mỗi người có thêm 3 - 4 con riêng.

Oraiden kể từ nhỏ đã sống cùng mẹ và có mối quan hệ rất thân thiết với cha ruột, cũng như con riêng của cả hai bên.

Cậu muốn các em mình cũng được đi du học để “giúp xây dựng đất nước”.

“Mozambique đang cần nhiều người có kỹ năng công nghệ, kỹ năng khoa học… [Ngoài ra] cũng cần [biết] chính sách chính trị, chính sách kinh tế, công nghệ… Vì không chỉ giỏi kỹ thuật mà còn phải có suy nghĩ về chính sách, chính trị… [mới có thể] phát triển đất nước.”

Theo Oraiden, để làm kinh tế thì người dân cần có tinh thần tự lực, “người Mozambique họ nghĩ kinh tế là từ người nước ngoài sang để đầu tư, nhưng người Mozambique phải biết tự đầu tư ở nước mình”.

Cậu cho biết muốn trở thành kỹ sư điện khi về nước vì Mozambique vẫn chưa có điện trên toàn quốc.

Nhưng đó là chuyện tương lai. Còn bây giờ, mục tiêu trước mắt mà Oraiden mới đạt được là đã giúp mẹ xây một ngôi nhà nhỏ bằng số tiền tiết kiệm được từ Việt Nam.

Một đảng hay đa đảng

Oraiden từng giành giải nhất thành phố cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cậu cho biết có hứng thú với lịch sử, chính trị Việt Nam và khẳng định có thể nói chuyện về chủ đề này "bất cứ lúc nào".

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh, Oraiden từng giành giải nhất thành phố cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cậu cho biết có hứng thú với lịch sử, chính trị Việt Nam và khẳng định có thể nói chuyện về chủ đề này "bất cứ lúc nào".

Trước khi nổi tiếng với Đào, phở và piano, Oraiden từng nhiều lần lên báo Việt Nam, bởi một vài thành tích có phần “đặc biệt” của cậu.

Oraiden chia sẻ với BBC rằng tuy một số môn đại cương và chuyên ngành phải học lại, nhưng cậu đã đạt điểm tuyệt đối học phần Kinh tế chính trị Mác - Lênin.

Ngoài ra, cậu còn giành một số thành tích trong các cuộc thi như giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học với chủ đề "Quan hệ kinh tế Việt Nam – Mozambique từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam", hay giải nhất thành phố cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Oraiden cho biết tham gia những cuộc thi trên một phần vì được thầy cô khuyến khích, phần vì bản thân có hứng thú với chính trị Việt Nam.

Cậu nói hay tìm hiểu về chính trị, lịch sử Việt Nam qua mạng, sách và YouTube, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Mozambique từng là quốc gia nằm dưới chế độ cộng sản sau khi giành độc lập từ người Bồ Đào Nha năm 1975. Nhưng cuộc nội chiến sau đó đã khiến đảng cầm quyền sửa hiến pháp và cho phép chế độ đa đảng từ năm 1990. Cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên ở Mozambique diễn ra sau đó bốn năm.

Tuy nội chiến đã kết thúc, nhưng căng thẳng giữa các phe tham chiến chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Với Oraiden, đó là một trong những nguyên nhân khiến đất nước còn lạc hậu.

“Ở Mozambique có rất nhiều đảng… mỗi đảng có một suy nghĩ khác, nên mọi người sẽ phải đấu tranh với nhau để xem ai lãnh đạo đất nước. Nhưng mà Việt Nam thì không, đất nước có một Đảng Cộng sản, họ đang lãnh đạo đất nước phát triển theo một hướng… [Việc chỉ có một đảng] đối với người Việt Nam em thấy là một điểm rất tốt.”

Cậu ví đảng cầm quyền ở Việt Nam “như một gia đình, ở gia đình có bố, có mẹ. Nếu bố có suy nghĩ khác, mẹ có suy nghĩ khác, con có suy nghĩ khác thì gia đình sẽ không gắn kết, sẽ tranh nhau… Nhưng nếu họ ngồi với nhau, nói chuyện [để] hiểu nhau và quyết định sẽ như thế này, thì mọi thứ sẽ phát triển, sẽ thành công”.

Khi được hỏi nếu có cơ hội, liệu có muốn vào Đảng Cộng sản Việt Nam không, Oraiden cho hay chỉ quan tâm chứ chưa nghĩ đến chuyện này, và rằng hoàn thành chương trình học vẫn là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, việc cậu không muốn mang quốc tịch Việt Nam cũng khiến việc này thành bất khả thi.

Quay lại chuyện tình yêu, mối lo của Oraiden bây giờ là không biết nếu cậu quay lại Mozambique, liệu bạn gái và gia đình có chấp nhận cho cô ấy đi theo hay không.

“Đấy vẫn là một cái chúng em đang nói chuyện, chưa biết tương lai thế nào.”